G20 phát động sáng kiến đẩy nhanh việc tiếp cận các thiết bị y tế
26/04/2020

Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 26/4 đã phát động sáng kiến mới nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận các thiết bị y tế để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh.

Trong tuyên bố phát động sáng kiến mang tên “Đẩy nhanh việc tiếp cận thiết bị y tế chống COVID-19 (ACT), Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 Mohammed al-Jadaan cho biết, các nền kinh tế G20 vẫn đang hợp tác với nhau để khắc phục tình trạng thiếu hụt ngân quỹ dành cho việc phòng chống dịch bệnh, ước tính khoảng 8 tỷ USD. Việc tăng cường nguồn ngân quỹ này sẽ giúp đẩy nhanh việc tiếp cận các thiết bị y tế chống COVID-19. Ông nhấn mạnh nhóm này sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác toàn cầu trên mọi mặt trận, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân quỹ dành cho ngành y tế. G20 cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước, các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm từ thiện và khu vực tư nhân hỗ trợ việc giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân quỹ phòng chống dịch bệnh.

Cũng theo ông al-Jadaan, cộng đồng quốc tế hiện vẫn chưa thể hiểu rõ về mức độ và thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng y tế này.

Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, các Bộ trưởng Y tế G20 đã chỉ rõ những điểm yếu trong hệ thống y tế khiến thế giới dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. G20 cũng cam kết thành lập mặt trận thống nhất chống đại dịch COVID-19, cũng như tiến hành các bước đi khẩn cấp để bảo đảm các nguồn cung ứng hàng hóa và vật tư y tế xuyên biên giới. 

* Anh đã bắt đầu triển khai các đơn vị xét nghiệm lưu động trên khắp cả nước trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày đối với virus SARS-CoV-2. 

Trong tuyên bố ngày 26/4, Bộ Y tế Anh cho biết, hiện đã có 8 đơn vị xét nghiệm được quân đội hỗ trợ bắt đầu tỏa đi các địa phương thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đối tượng ưu tiên xét nghiệm là những người làm việc tại các nhà dưỡng lão, trong ngành cảnh sát và trại giam. Các mẫu xét nghiệm sẽ được xe chuyên dụng thu thập và sau đó chuyển về các trung tâm xét nghiệm.  

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đặt mục tiêu đến ngày 30/4, Anh tiến hành 100.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, đến ngày 24/4, nước này mới chỉ đạt 28.760 xét nghiệm/ngày. Dự kiến, trong tháng 5 tới, Anh sẽ triển khai thêm 96 đơn vị xét nghiệm lưu động trên cả nước. 

Nhiều ý kiến lo ngại sự chậm trễ trong việc tiến hành xét nghiệm có thể kéo dài thời gian Anh thoát khỏi tình trạng phong tỏa và làm chậm sự hồi phục của kinh tế Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 

Riêng tại Bắc Ireland, các đơn vị xét nghiệm lưu động sẽ do các nhà thầu hỗ trợ thực hiện, mà không phải quân đội. 

Anh hiện là quốc gia ghi nhận số ca tử vong và số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao thứ 5 thế giới sau Mỹ, Italia, Tây Ban Nha và Pháp. Theo các nhà khoa học, số ca tử vong tại Anh sẽ bắt đầu giảm mạnh trong vài tuần tới. Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel khuyến cáo người dân nước này nên ở trong nhà trước tình hình dịch bệnh hiện nay. 

* Tại Pháp, Hội đồng khoa học nước này đã kiến nghị chính phủ đưa ra quy định bắt buộc học sinh trong độ tuổi từ 11-18 đeo khẩu trang khi tới trường nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đối với trẻ em từ 4-11 tuổi, Hội đồng cho rằng quy định này khó có thể thực hiện được. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết, Chính phủ Pháp sẽ xem xét kiến nghị này trước khi cân nhắc về việc mở cửa lại các trường học từ ngày 11/5 sau khi triển khai các biện pháp hạn chế từ giữa tháng 3 để phòng, chống dịch COVID-19. 

* Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang tăng cường cung cấp các sản phẩm y tế và vệ sinh cho những gia đình và nhân viên y tế ở 12 nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong bối cảnh khu vực này đang chịu ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo UNICEF, các sản phẩm được cung cấp bao gồm các thiết bị làm vệ sinh, dung dịch rửa tay, xà phòng, các hệ thống cấp nước và thiết bị bảo vệ cá nhân cũng như khẩu trang, áo choàng y tế... Mặc dù phải đối mặt với các điều kiện thị trường vô cùng khắt khe và những hạn chế về hậu cần, song quỹ này đã lên kế hoạch vận chuyển 52 tấn gồm những sản phẩm trên tới khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong những tháng tới. Bên cạnh đó, các văn phòng đại diện của UNICEF tại khu vực trên cũng đang tìm kiếm và thu mua những nhu yếu phẩm tại các thị trường trong khu vực để hỗ trợ các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe. Dự kiến UNICEF sẽ chuyển tới khu vực này ít nhất 220.000 khẩu trang, 50.000 bộ đồ bảo hộ và 1.500 kính bảo vệ.

 

 


Số lượt đọc: 3714 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác