Đánh bắt hải sản hiệu quả bằng nghề lưới rê
01/12/2015
Thời gian qua, nghề lưới rê là mô hình đánh bắt hải sản được một số địa phương ven biển, trong đó có BR-VT ưu tiên phát triển. Với nhiều ưu điểm như thời gian đi biển ngắn, nhu cầu lao động ít, hiệu quả khai thác cao đã giúp nhiều ngư dân tăng thu nhập từ nghề này.

Sau chuyến biển kéo dài hơn 1 tháng, doanh thu bán hải sản khá, ngư dân Phạm Văn Thành (xã Phước Tỉnh huyện Long Điền) vui vẻ cho biết về hiệu quả của nghề lưới rê: “Phiên biển này trúng lớn, mỗi người bạn được chia phần 20 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến giờ qua 6 chuyến biển, anh em bạn ghe cũng kiếm được khoảng 100 triệu đồng/người”.

Theo các ngư dân đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê, mỗi mẻ lưới chỉ diễn ra 4 tiếng đồng hồ nên ít tốn thời gian hơn so với các nghề khác, vì thế sản xuất chủ động hơn. Ngoài ra, sản phẩm chủ yếu của nghề lưới rê là cá thu nên giá bán cao hơn so với các loại cá khác. Ông Đỗ Tấn Công (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ 4 chiếc tàu hành nghề lưới rê cho biết, nhân lực cần thiết trên tàu lưới rê chỉ khoảng từ 5 đến 7 người. Khai thác nghề lưới rê có thể hoạt động quanh năm, trong đó mùa chính bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Ngư trường khai thác là vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu từ 30m nước trở lên. “Sau khi kết thúc thả lưới, thời gian ngâm lưới 8 - 10 giờ, vì vậy tàu có thể tắt máy neo nghỉ, nên tốn ít nhiên liệu. Các loại hải sản đánh bắt có giá trị cao, nhân lực sử dụng lại ít nên hiệu quả đánh bắt lưới rê đạt cao”.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tại vùng biển Đông Nam bộ, nghề lưới rê đạt sản lượng khá cao, từ 13-17 tấn/chuyến. Đối tượng khai thác chủ yếu là cá thu và cá ngừ sọc dưa. Doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 270 - 290 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, có thể lãi hơn 150 triệu đồng, bình quân thu nhập của mỗi lao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, để đầu tư nghề lưới rê, ngư dân cần có vốn lớn, cùng đó là tài công và bạn ghe phải có kinh nghiệm làm nghề mới đánh bắt hiệu quả. Không chỉ cần kinh nghiệm trong đánh bắt, việc bảo quản sản phẩm cũng rất quan trọng. Ngư dân Phạm Văn Thành cho biết, do đánh bắt bằng lưới rê, cá có giá trị kinh tế cao nên việc bảo quản phải kỹ lưỡng hơn nhiều. Cá sau khi được đánh bắt sẽ được rửa sạch, sau đó đưa xuống hầm bảo quản, theo quy trình một lớp đá xay (15 - 20cm) xếp một lớp cá. Với hiệu quả cao hơn hẳn các phương thức đánh bắt khác, ngư dân đang kỳ vọng nghề lưới rê sẽ góp phần thay đổi cách thức sản xuất, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 347 chiếc tàu hành nghề lưới rê. Trong định hướng phát triển ngành thủy sản, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục khuyến khích ngư dân đầu tư tàu khai thác hải sản xa bờ, phát triển nghề lưới rê, lưới vây, câu khơi, khai thác có chọn lọc các loài thủy sản; quản lý chặt chẽ hoạt động lưới kéo vùng bờ, hạn chế việc phát triển tàu nhỏ công suất dưới 90CV. Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả của quy hoạch phát triển khai thác thủy sản tỉnh giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, Sở NN-PTNT sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ vốn cụ thể cho đối tượng nghề lưới kéo chuyển sang hoạt động các loại nghề như lưới rê, lưới vây, câu khơi, dịch vụ hậu cần thủy sản… vì hiện nay việc chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm.


Số lượt đọc: 838 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác