Tiến bộ kỹ thuật nuôi heo
06/04/2016

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm phòng chống dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng vật nuôi đang được nhiều địa phương và các trang trại đẩy mạnh thực hiện.

Dưới đây là một số tiến bộ kỹ thuật do Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giới thiệu.

Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học

Nhằm tận dụng ưu điểm của đệm lót sinh học là đảm bảo mát cho heo nái nuôi con nhưng rất ấm cho heo sơ sinh trong cùng một chuồng, anh Vũ Ngọc Bích, chủ trại heo Trang Linh (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bước đầu thành công với mô hình này. Với đàn heo nái 200 con, sau khi anh Bích thực hiện cho thấy, chuồng heo luôn khô ráo, sạch sẽ và hoàn toàn không có mùi hôi, bầy heo con mới sinh giảm tối đa bệnh tật. Sở dĩ như vậy là do nền chuồng đệm lót luôn được làm ấm bởi vô vàn các vi sinh vật có lợi nên heo con không bị lạnh, bệnh tiêu chảy từ tỷ lệ 70% khi nuôi trên chuồng sàn giảm xuống còn 10% hoặc không còn. Bệnh viêm phổi và viêm khớp hầu như không có, trong khi trước đây tỷ lệ bệnh luôn từ 20 - 30%. Đối với heo nái nuôi con thì mau lên giống (sau cai sữa 2 – 3 ngày). Đặc biệt, heo nái trong chuồng không còn hiện tượng chết đột ngột do trước đây phải thường xuyên và định kỳ phun thuốc sát trùng. Mặt khác, nuôi heo nái trên đệm lót sinh học còn giúp tiết kiệm điện, nước, công nhân, hạn chế tối đa ruồi muỗi. Trước đây, dù chỉ 90 heo nái, hàng tháng anh Bích cần 2 công nhân và mất 1 triệu đồng tiền điện nước. Hiện với quy mô 200 heo nái, hàng tháng anh vẫn chỉ cần 2 công nhân và mất 0,8 triệu đồng/tháng tiền điện nước. Một ưu điểm nổi bật nữa là tỷ lệ heo con cai sữa lúc 21 ngày tăng khoảng 10%, từ 88% lên 98%. Như vậy, với quy mô 200 heo nái, hàng năm trang trại của anh Bích có thêm hơn 600 heo con cai sữa so với phương thức nuôi truyền thống. Kinh nghiệm làm đệm lót cho heo nuôi con trên đệm lót sinh học như sau: Heo nái được thiết kế nằm trong ô chuồng mà nền bằng bê tông kích cỡ 0,6x2,2m, hai bên được thiết kế 2 ô đệm lót sinh học cho heo con bú mẹ kích cỡ mỗi ô 0,8x2,2m với nền đệm lót trên đất đầm chặt, phẳng. Cơ chất làm đệm lót là mùn cưa được kiểm soát, vệ sinh kỹ với độ dày là 30cm được ủ bằng men balasa. Cần lưu ý hạn chế tối đa nước uống của heo mẹ, heo con chảy ra làm ướt nền đệm lót.

Men ủ vi sinh hoạt tính

Mô hình này được áp dụng thành công tại trang trại heo của anh Nguyễn Phi Long (xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương). Trại anh Long có gần 100 heo nái và hàng trăm heo thịt, khi áp dụng thức ăn trộn men ủ vi sinh hoạt tính đã giúp anh tiết kiệm tiền thức ăn tới 570.000 đồng/con. Như vậy, với khoảng 600 heo thịt xuất chuồng hàng năm, giúp anh có lợi nhuận 342 triệu đồng. Khi sử dụng thức ăn ủ men đã giúp giảm mùi hôi, giảm 80 - 90% bệnh tiêu chảy, đặc biệt là giai đoạn heo con. Đàn heo thịt luôn khỏe mạnh, da hồng hào, tiêu hóa tốt và ăn nhiều hơn, phân thải ra ít hơn, chất lượng thịt tốt, thương lái rất thích mua. Đặc biệt, khi sử dụng thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính, giúp giảm 10% giá thành (khoảng 1.000 đồng/kg thức ăn) và rút ngắn thời gian nuôi 10 - 15 ngày. Kinh nghiệm ủ men cho heo từ 20 - 40kg nuôi thịt như sau: Hòa 1 gói men vi sinh hoạt tính (0,5kg) cùng 1kg rỉ mật đường vào 30 lít nước sạch và ủ kín 2 ngày. Sau đó trộn đều hỗn hợp trên với 55kg bắp nghiền và 25kg cám gạo, cho vào bao ni lông buộc kín miệng tạo môi trường yếm khí, sau ủ 2 ngày có thể lấy ra cho heo ăn. Khi lấy ra và cột kín lại có thể để 10 ngày. Trước khi cho heo ăn, trộn hỗn hợp ủ này với 20kg thức ăn đậm đặc (46% đạm), có thể cho heo ăn trực tiếp hỗn hợp trên hoặc hòa với nước.


Số lượt đọc: 1099 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác