Tại ĐBSCL, nhiều nông dân đang ăn nên làm ra nhờ sản xuất cây giống. Điển hình là bà Trần Thị Hiền, 60 tuổi ở ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Bà Hiền cho biết, nhờ tích lũy kinh nghiệm từ 20 năm làm cây giống cùng chồng. Từ ngày chồng qua đời năm 2001 đến nay, bà vẫn tiếp tục sự nghiệp và phát triển với quy mô ngày càng lớn hơn. Lúc đầu bà chỉ tận dụng 2 công đất vườn để ươm cây, cuộc sống rất vất vả vì thu nhập bấp bênh. Gần đây nhờ có mối quan hệ làm ăn thuận lợi với các nhà vườn ở Cái Mơn (Bến Tre), nhiều chủ cơ sở SX cây giống đã đến hợp đồng mua cây giống (gốc ghép) của bà về ghép nên sản phẩm làm ra không đủ bán.
Một trong những nguyên nhân giúp bà thành công là nhờ có sự hỗ trợ tích cực của người con trai. Từ hiệu quả đạt được, bà tiếp tục đầu tư thêm vốn liếng, thuê thêm mặt bằng, mở rộng diện tích ươm trồng. Đến nay diện tích vườn ươm lên hơn 1ha, chuyên ươm các loại cây xoài, bưởi, mít…
Thời gian ươm cây từ lúc ghim hột cho đến lúc bứng mất khoảng 15 tháng, nhưng kể từ tháng thứ ba là đã có thương lái đến đặt hàng, bỏ cọc, đợi đến khi nào cây đúng tuổi, khách hàng sẽ tự đến bứng cây cho vào bầu mang đi.
Bà chia sẻ: Tuy là cây ươm hột, mới nghe nói qua tưởng chừng đơn giản, nhưng nghề nào cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, có kỹ thuật. Bí quyết của nghề ươm cây giống là mỗi loại hạt có cách ươm riêng, mật độ thưa dầy cũng khác nhau. Nếu hạt nhỏ như bưởi, cam, quýt thì đất ươm phải mịn, còn như hạt to như xoài riêng, mít thì cần đất tơi, xốp. Khi cây bắt đầu cứng cáp khoảng 1 tháng phải nhổ lên cấy xuống liếp cho ngay hàng thẳng lối. Công đoạn quan trọng nhất là lúc cây vừa nảy mầm thường hay bị sâu rầy cắn phá, người ươm phải chăm sóc thật kỹ, theo dõi từng ngày.
Với kinh nghiệm của bà, cây giống phải hạn chế tối đa việc dùng phân hóa học (vô cơ) vì đa số khách hàng đều chọn cây gốc ghép tưới bằng phân hữu cơ sẽ giúp cho chồi ghép nhanh phát triển, tỷ lệ ghép thành công cao hơn. Cũng chính nhờ bí quyết này mà cơ sở của bà được nhiều khách hàng tìm đến đặt mua hàng. Hiện nhiều nhà vườn, chủ trang trại rất quan tâm đến cây giống, coi cây giống là khâu quyết định trong quá trình SX nông nghiệp (đất, phân, cần, giống). Chính vì vậy mà họ không ngần ngại bỏ vốn đầu tư chọn giống mới, sạch bệnh, chất lượng cao để nâng cao vị thế cây trồng.
Nhờ làm ăn có uy tín, biết đưa khoa học kỹ thuật vào SX, vườn ươm lúc nào cũng xanh tươi nên năm 2016 cơ sở giống của bà Hiền bán ra trên 100.000 cây đủ loại, sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 1 tỷ đồng. Năm nay bà chuẩn bị xuất khoảng 200.000 cây, nhiều nhất là xoài với giá 11.000 - 12.000đ/gốc; bưởi da xanh (cây ghép sẵn) giá 10.000đ/gốc; mít, giá 8.000đ/gốc. Do đó tiền lời cũng sẽ tăng lên gấp đôi.
Ngoài bán cây giống bà còn có một vườn xoài riêng 15 công đang ra trái chiến, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Cây giống của bà, ngoài cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL bà còn bán ra cho khu vực Tây nguyên với số lượng khá lớn. Nhờ vậy mà đầu ra sản phẩm lúc nào cũng ổn định, không sợ hàng nhiều dội chợ.
Bà Hiền cho biết, việc SX cây giống mấy năm đầu rất vất vả. Muốn cho cây đạt chất lượng cao thường xuyên cần đến 4 - 5 lao động để làm đất, ươm cây, làm cỏ, vô phân, tưới nước, nặng nhất là khâu tưới nước trong mùa khô hạn. Nay bà đã đưa khoa học kỹ thuật vào quy trình SX, tất cả các vườn ươm đều được thiết kế hệ thống máy tưới tự động vừa đỡ mất thời gian vừa tiết kiệm được nhân công. |
- Tăng cường sử dụng xăng sinh học E5 (02/12/2015)
- Hàng hóa đóng gói sẵn bị cân thiếu: Người tiêu dùng bị thiệt (02/12/2015)
- Muốn HTX bứt phá, phải có người quản lý giỏi (22/08/2013)