. Rau sạch trên quê lúa từng bước mở rộng thị trường
05/10/2017

Đầu tháng 10/2016, Hợp tác xã Sản xuất rau sạch Thanh Tân (xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, Thái Bình) quy hoạch cánh đồng rau an toàn tại thôn An Cơ Đông, tạo điều kiện cho xã viên tiếp cận kỹ thuật gieo trồng an toàn, nói không với thuốc BVTV.

Cánh đồng rau hiện có 6ha với đủ các giống: Rau dền, rau muống, đậu que, dưa leo, dưa lê, đu đủ, khoai, bắp... Các xã viên được cán bộ của Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp VN) hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch để đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã đề ra.

Ông Trần Đức Miền, Phó thôn An Cơ Đông là thành viên trong nhóm trồng rau sạch chia sẻ: "Chúng tôi được tập huấn rất cụ thể về khái niệm rau sạch, kỹ thuật xới đất, làm cỏ, bón phân. Mỗi giai đoạn phát triển của rau, cán bộ lại về hướng dẫn trực tiếp trên đồng, nhờ vậy mà người nông dân tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật mới".

Để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm, nông dân được cung ứng giống từ Viện Môi trường nông nghiệp. Ông Miền cho biết: Đu đủ Đài loan giá ngoài thị trường khoảng 10 ngàn đồng/cây, nhưng nông dân được mua với giá 6 ngàn đồng. Loại cây này sinh trưởng phát triển nhanh, năng suất hứa hẹn sẽ cao hơn các loại đu đủ khác. Rau muống, rau dền cũng được trồng theo kỹ thuật: Luống rộng 1,5m, hàng cách hàng 20cm. Khi trồng không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học do Viện Môi trường nông nghiệp cung cấp. Cứ 3 - 5 ngày phun và bón chế phẩm/lần.

Bà Trịnh Thị Dậu (61 tuổi) tham gia sản xuất chia sẻ, gia đình bà có 6 sào ruộng, trong đó cấy lúa 3 sào, còn 3 sào góp vào quỹ đất trồng rau sạch. Mỗi năm, bà nhận về 100kg thóc khoán/sào, cao gấp 3 lần so với cho người dân thuê cấy lúa. Nhân công sản xuất trên cánh đồng rau sạch có thu nhập trung bình đạt 3 triệu đồng/tháng.

 

Ngoài thị trường Hà Nội, HTX Thanh Tân đang tiếp tục mở rộng thị trường đầu ra với các đơn vị trên địa bàn như Trường Mầm non Thanh Tân, Khu công nghiệp Thanh Tân. Với mức giá hợp lý, hy vọng các em học sinh và người lao động tại địa phương sẽ được tiếp cận với nguồn rau sạch, an toàn và hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Thế Anh, cán bộ HTX cho biết, mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động. Vào lúc cao điểm như xới đất, vun luống, vườn rau còn tạo việc làm cho trên 10 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 100 ngàn đồng/ngày công. Tuy thu nhập không cao nhưng với những nông dân đang độ nông nhàn là việc làm hữu ích cho gia đình".

“Ở quê nghề phụ cũng ít. Mình làm rau để có thêm thu nhập. Vốn làm ruộng quen rồi nên cũng dễ sản xuất rau. Làm chung nên chị em có cơ hội giao lưu học hỏi, tinh thần thoải mái hơn, vui hơn”, bà Bùi Thị Hương (53 tuổi) vui vẻ nói.

Đang vào thời điểm nắng nóng, HTX Thanh Tân đã đầu tư mới một kho lạnh để đảm bảo chất lượng cho nông sản. Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc HTX chia sẻ: "Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại thị trường Hà Nội với sản lượng khoảng 3 tấn rau, củ, quả các loại/ngày. Giá bán đã được hợp đồng sẵn. Dưa leo, rau dền, rau muống với giá 10 ngàn đồng/kg. Đậu cove giá 15 ngàn đồng/kg".

Cũng theo ông Hưng, HTX đã tiến hành thủ tục đăng ký tem biển chống hàng giả cho thương hiệu rau sạch Thanh Tân, phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ mở rộng diện tích gieo trồng lên 20ha. Để làm được điều này, HTX sẽ vận động bà con tham gia góp đất, góp công vào quá trình sản xuất. Đồng thời chú trọng tuyên truyền để bà con nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, góp phần đảm bảo sức khỏe chính mình và môi trường xung quanh. Phấn đấu đưa thương hiệu rau sạch Thanh Tân mở rộng ra thị trường, vào các siêu thị lớn.


Số lượt đọc: 953 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác