Tối qua (14.10), Trung ương Hội NDVN tổ chức Chương trình tự hào nông dân Việt Nam qua 30 năm đổi mới, đúng vào dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2017). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư. cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội qua các thời kỳ; các nhà khoa học; doanh nghiệp; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, thành phố và 87 đại biểu nông dân tiêu biểu xuất sắc qua 30 năm đổi mới đại diện cho gần 60 triệu nông dân cả nước về dự Lễ tôn vinh.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định: Chương trình tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới nhằm ghi nhận, biểu dương kịp thời những thành tích xuất sắc của những người nông dân không chỉ chịu khó, chắt chiu, tận tụy, kiên cường, hăng say trong lao động sản xuất, mà còn có ý chí quyết tâm, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, thị trường và dám chịu trách nhiệm; luôn có ý chí khát vọng làm giàu chính đáng, khát vọng cống hiến nhiều cho đất nước, tích cực, chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm ăn hiệu quả, quản lý khoa học, phát triển ý tưởng, sáng tạo, đột phá mới vào sản xuất, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp tăng năng suất lao động, các cây, con giống tăng năng suất sản lượng nông sản, đa dạng, phong phú, chất lượng, giá trị gia tăng, tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nông dân, góp phần làm nên dấu ấn lịch sử 30 năm đổi mới và tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc là vinh danh công sức, tài năng, sáng tạo của những nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng là nguồn cổ vũ động viên to lớn, là động lực phát huy, nhân rộng nhiều nhân tố mới tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để cùng quyết tâm thay đổi mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún - sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ -sang hợp tác, liên kết, liên doanh; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống - sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp - sang năng suất lao động cao với hàm lượng khoa học công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm - sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm để đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển đi lên bền vững, nông thôn văn minh, hiện đại, nông dân ngày càng giàu có.
Tại Chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn đã trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới” cho 87 đại biểu nông dân xuất sắc. Trong đó, có 63 nông dân xuất sắc được công nhận năm 2017 và 24 nông dân tiêu biểu đại diện cho thời kỳ 30 đổi mới của đất nước.
Phát biểu tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành tích của lực lượng nông dân Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, trong giai đoạn 30 năm đổi mới đất nước, giai cấp nông dân luôn là trụ đỡ phát triển nền kinh tế, đóng góp thành tựu vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thời chiến, giai cấp nông dân đã sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng hy sinh xương máu vì đất nước; trong thời bình, họ lại chịu thương chịu khó, tích cực sản xuất, tham gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng nước nhà giàu mạnh. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất, nhờ đó bà con làm ăn thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích của người nông dân Việt Nam đã đạt được trong những năm qua và chúc mừng thành tích to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam”.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới. “Đây là sự kiện ý nghĩa nhằm tôn vinh, động viên những tấm gương nông dân xuất sắc thời kỳ đổi mới và hội nhập, có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, có ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu chính đánh cho gia đình, xã hội, chia sẻ giúp đỡ mọi người cùng vươn lên thoát nghèo, và trở thành khá giả, giàu có góp phần thúc đẩy phát triển nônng nghiệp, xây dựng nông thôn mới” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ sự ấn tượng trước con số 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hàng năm, bảo đảm công ăn việc làm cho 3,5 triệu lao động thường xuyên và hơn 7 triệu lao động theo mùa vụ, giúp khoảng 300.000 hộ nông dân thoát nghèo.
Tọa đàm, giao lưu với một số gương mặt tiêu biểu 30 năm đổi mới, nhà văn Chu Lai – khách mời đặc biệt của Chương trình chia sẻ: Nói về nông dân, lực lượng chủ chốt của dân tộc thì tôi – người lính phải đứng dậy nghiêng mình kính cẩn. Tôi viết về người lính, tất cả các người lính đều từ cánh đồng đi lên. Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, do đó cụm từ “nông dân là quân chủ lực” vang vọng suốt cuộc hành trình kháng chiến, qua chiến tranh, hòa bình, qua thời bao cấp, thời thị trường. Và đến hôm nay, 30 năm lịch sử dân tộc thăm thẳm không là gì, nhưng 30 năm đối với một giai cấp nông dân thì đó là giông bão, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa có rất nhiều biến động, để hôm nay diện mạo kinh tế Việt Nam hồng hào, được như thế thì giai cấp nông dân Việt Nam vẫn giữ nguyên cụm từ là “quân chủ lực”.
Những ngày này, bão lũ đang tràn ngập miền Bắc và miền Trung, dường như trong lịch sử giông bão, thiên tai, địch họa giáng hết cả xuống vùng nông thôn và người nông dân phải chịu đựng. Câu ca buồn nhất “nắng lửa mưa dầu” cũng là người nông dân. Chính vì thế, người nông dân đã trở thành một chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc Việt Nam đứng vững trong rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, hòa bình, cũng như chiến tranh, giông bão.
Ngày hôm nay, hình tượng trung tâm của những người cầm bút chúng tôi buộc phải là những người nông dân và doanh nhân, nó cũng liên quan đến sinh tử và đói no của dân tộc. Chính vì thế, hình tượng người nông dân này mãi mãi đi cùng năm tháng.
Dường như căn cứ địa của tất cả các cuộc cách mạng đều ở nông thôn. Trong cuộc cách mạng chống đói nghèo, 30 năm vừa rồi, người nông dân đã trả lời “không chấp nhận đói nghèo”, thay đổi toàn bộ diện mạo kinh tế. Và tới đây khi tiến tới nông nghiệp 4.0, người nông dân sẽ trở thành một nông dân công nghiệp để hòa nhập với toàn cầu. Tôi tin rằng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 này, khúc ca về người nông dân sẽ là khúc ca về sự chiến thắng, vinh quang, tự hào sẽ vang vọng bầu trời như là một điều tất yếu.
- Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội (22/06/2015)
- Tập huấn internet cho nông dân (24/05/2015)