Giai đoạn 2011 - 2015, ngành chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành ngành nông nghiệp (30,5%) và duy trì tăng trưởng 4,5 - 5%/năm.
Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo nghiên cứu và ứng dụng nhiều TBKT vào chăn nuôi.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2009 - 2016 đã có 72 TBKT được công nhận. Trong đó, giống vật nuôi có 38 TBKT cho các đối tượng lợn, gà, vịt, ngan, ngan lai vịt, ong tằm. Thức ăn chăn nuôi có 5 TBKT về quy trình SX và chế phẩm sinh học. Môi trường chăn nuôi có 7 TBKT về quy trình xử lý biogas và các mẫu công trình khí sinh học. Quy trình chăn nuôi và các công nghệ khác có 22 TBKT về nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng bệnh. Các TBKT đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn SX tại các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước.
Bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, mỗi năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 450 - 500 mô hình trình diễn để chuyển giao các TBKT trong chăn nuôi và có gần 9,2 nghìn hộ dân được hưởng lợi.
Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng tổ chức hàng trăm điểm trình diễn, giới thiệu các TBKT cho nông dân. Điển hình là các mô hình như cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; xây dựng mô hình SX giống gia cầm cho các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc; phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cấp quy mô xã… Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có tính thực tiễn có thể nhân rộng.
Từ năm 2009 - 2012, các doanh nghiệp lớn đã nhập trên 60 nghìn con bò sữa HF từ Australia và New Zealand, phần lớn được nuôi quy mô tại Nghệ An. Với việc ứng dụng đồng bộ giống có năng suất cao, ứng dụng chuồng trại có khả năng bức xạ nhiệt mặt trời, giảm nhiệt độ chuồng nuôi, nuôi bò bằng sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR, đến nay đã có 52 nghìn con giống bò sữa HF năng suất cao (31% tổng đàn). Trong đó, riêng Tập đoàn TH sở hữu trang trại bò sữa 45 nghìn con với năng suất sữa bình quân 40 lít/con/ ngày. Đây được đánh giá là một trong những trang trại bò sữa có quy mô lớn nhất châu Á hiện nay.
Ngoài ra có thể kể đến các TBKT khác như tinh trùng cọng rạ đông lạnh, phân biệt giới tính trong chăn nuôi bò; nhiều giống lợn cao sản được nhập về nuôi tại Việt Nam, xây dựng được hệ thống chăn nuôi lợn 4 cấp cụ kỵ - ông bà - bố mẹ - thương phẩm. Đến nay, tại Việt Nam có 5 chuỗi SX lợn 4 cấp, SX ra khoảng 4 triệu lợn thịt/năm, chiếm 12% thị trường thịt lợn của cả nước. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi chăn nuôi lợn 3 cấp.
Theo thống kê, trung bình, mỗi năm Việt Nam chuyển giao vào SX 1.700 con lợn giống ông bà, bố mẹ. Nhiều giống gà, hợp gà lai được ứng dụng giúp tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi và người tiêu dùng. Về thủy cầm, nhiều TBKT được áp dụng đã giúp người chăn nuôi cung ứng ra thị trường gần 14 triệu con gà các loại, trên 1,5 triệu con vịt, gần 130 nghìn con ngan giống, trên 12 triệu quả trứng...
Tại hội thảo "Giới thiệu các TBKT mới của khối Nhà nước và doanh nghiệp - lĩnh vực chăn nuôi" do Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức tại Nghệ An, TS Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, chăn nuôi đang đứng trước nhiều thách thức trong khâu thị trường. Cùng với đó là những khó khăn về biến đổi khí hậu, công tác giống… Vì vậy, cần áp dụng nhiều TBKT, xây dựng chuỗi liên kết nhằm từng bước nâng cao giá trị sản phẩm... |
- Ấn tượng mô hình lúa - cá - vịt (16/10/2020)
- Đưa nông sản địa phương ra thị trường thế giới (08/06/2020)
- Sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả (08/06/2020)
- Tăng năng lực cạnh tranh sản xuất mía đường nhờ ứng dụng công nghệ mới (08/06/2020)
- VIGOVA tổng kết 5 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (08/06/2020)
- Làm cách nào để quả mít nhanh chín? (08/06/2020)
- Nông trại hữu cơ vùng cao nguyên Langbiang đạt tiêu chuẩn Nhật Bản (08/06/2020)
- Ve đen hại lúa (08/06/2020)
- Quản lý tổng hợp sâu bệnh hại cây cà phê (08/06/2020)
- Kỹ thuật nuôi gà Mía và phòng bệnh bằng thảo dược (08/06/2020)