Nếp cái hoa vàng được mùa
17/11/2017

Lúa nếp cái hoa vàng trung bình đạt 45 tạ/ha, giá trị sản phẩm/ha canh tác trên 76 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu, có thể coi là trà vụ được mùa riêng ở miền Bắc.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện Kinh Môn (Hải Dương), hiện tại bà con nông dân các địa phương trên địa bàn đang rất phấn khởi, thu hoạch nốt những diện tích lúa cuối cùng trong vụ mùa này.

Hân hoan trong niềm vui được mùa, ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn An Thuỷ, xã Hiến Thành hào hứng khoe với chúng tôi: “Gia đình ông cấy hơn 1 mẫu lúa nếp cái hoa vàng, mới thu hoạch 5 sào đã được gần 8 tạ thóc, chưa kịp phơi phóng gì thương lái đã đến mua ngay với giá 1.600.000 đồng/tạ, bán rồi mới thấy tiếc vì giá lúa sẽ còn lên, và cũng chỉ Kinh Môn mới có loại thóc gạo này”.

Ông Trần Văn Phú ở thôn Tân Xá, xã Duy Tân cấy 6 sào nếp cái hoa vàng, cả nhà vẫn đang thu hoạch nhưng ông Phú đã cầm chắc: “Phơi già đổ bồ phải được 9 tạ thóc, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn còn lãi 4 tạ rưỡi, để giáp tết bán sẽ được ngót hai chục triệu chứ chả chơi”.

Ông Phú cũng cho biết thêm, lúa nếp cái hoa vàng năm nay ít phải phun thuốc trừ sâu, vì không có sâu bệnh mấy.

Đi thăm khắp các cánh đồng lúa mùa muộn đang thu hoạch rộ, chúng tôi thật ấn tượng! Ruộng nếp hoa vàng nào cũng đều vàng nuột như tơ, bông dài óng ả, không đổ ngã, không tì vết sâu bệnh, có thể coi là điều hiếm có!

Đáng chú ý, trong điều kiện thời tiết vụ mùa năm nay, có mưa lớn kéo dài bất thường, nhiều diện tích lúa ở các địa phương trong khu vưc bị ngập úng, sâu bệnh và chuột gây hại nặng. Lúa nếp cái hoa vàng lại là giống thu hoạch muộn hơn các giống lúa đại trà gần 1 tháng (do đặc tính sinh lý của giống), nên rất dễ bị sâu bệnh tập trung phá hại, nhất là chuột (do lúa có mùi thơm). Vì thu hoạch muộn nên nếp cái hoa vàng chủ yếu cấy chân ruộng vàn trũng, để các ruộng cao, ruộng vàn cơ cấu các giống lúa ngắn ngày phục vụ sản xuất vụ đông.

Trong muôn vàn ngặt nghèo, khắc nghiệt ấy, lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn vẫn được mùa vượt trội. Chửng tỏ các cấp ngành chuyên môn trong huyện đã điều hành, chỉ đạo rất sát sao, nông dân các địa phương cũng từng được tập huấn kỹ thuật thâm canh nhuần nhuyễn, nên mới duy trì được biệt lệ bội mùa bội giá...

Qua tìm hiểu chúng tôi biết, huyện Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu tập thể cho lúa nếp cái hoa vàng từ năm 2008. Đây là giống lúa nếp đặc sản cổ truyền của nước ta, chỉ gieo cấy được trong vụ mùa, cấy vụ khác cây lúa không thể trỗ chín, vì giống phản ứng chặt với quang chu kỳ ánh sáng.

Nếp cái hoa vàng đang là giống lúa chất lượng cao nhất trong bộ giống lúa nếp gieo cấy trên toàn quốc hiện nay. Với nhiều đặc điểm ưu tú vượt trội như cơm dẻo mềm rất thơm, gạo dùng gói bánh trưng trong các dịp lễ tết có thể bảo quản dài ngày mà bánh không bị lại gạo.

Hiện chỉ có huyện Kinh Môn còn gieo cấy nhiều lúa nếp cái hoa vàng, sản lượng thóc sản xuất ra ở đây mỗi năm ước đạt 32 nghìn tấn. Huyện đã thành lập được Hiệp hội Sản xuất & Thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn, đảm bảo tiêu thụ cơ bản lượng sản phẩm sản xuất ra ở đây. Các xã thường xuyên gieo cấy nhiều nếp cái hoa vàng là Long Xuyên, Hiệp An, Hiến Thành, An Sinh và An Phụ.

Dự kiến, diện tích lúa nếp cái hoa vàng ở Kinh Môn sẽ còn mở rộng, do hiệu quả sản xuất cao, lúa có khả năng kháng sâu bệnh khá tốt, sản phẩm dễ bán.

 

"Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được coi là một trong những tiềm năng lợi thế của địa phương. Nên các cấp chính quyền huyện luôn quan tâm tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích theo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị", ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kinh Môn.

 

 


Số lượt đọc: 1206 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác