Trồng dâu nuôi tằm đang trở thành nghề rất phát triển trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái). Cây dâu được trồng trên đất lúa thiếu nước, năng suất bấp bênh và những cây trồng kém hiệu quả khác.
Ông Trần Khánh Toàn ở thôn Đồng Gềnh, xã Báo Đáp là một trong những hộ đi tiên phong trồng dâu nuôi tằm. Ông chia sẻ: "Như bây giờ nuôi lợn, nuôi gà là không lãi, nhưng con tằm lại rất có lãi. Nhà tôi có gần 1ha trồng dâu kết hợp nuôi tằm, mỗi năm thu được khoảng 15 tấn kén, kén loại 1 bán khoảng 120.000/kg... Tính sơ sơ mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng".
Ông Toàn cho biết thêm, ngoài việc nuôi tằm, gia đình ông còn ấp trứng lấy giống từ Quảng Tây- Trung Quốc. Mỗi năm cho ấp nở khoảng 1.690 vòng kén để cung cấp cho hơn 70 hộ trong vùng. Trứng được ấp nở và tiến hành nuôi "ngủ 1, ngủ 2, ngủ 3" rồi xuất cho các hộ trong và ngoài xã nuôi thương phẩm lấy kén. Số kén này sau đó được gia đình ông thu mua lại để xuất bán cho Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu. Mỗi năm gia đình ông thu mua khoảng 20 tấn kén, trong đó có 10% là kén loại 2 với giá khoảng 60 – 80 nghìn đồng/kg còn lại là kén loại 1. Để đảm bảo chất lượng kén tốt, Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu đã đầu tư một nhà lạnh đặt tại gia đình ông Toàn, phục vụ cho việc thu gom kén.
Xã Báo Đáp hiện có gần 60ha dâu, với trên 300 hộ trồng dâu nuôi tằm. Người dân đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn và những chân ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu. Theo tính toán của bà con, nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khá ổn định. So với trồng lúa, ngô thì con tằm cho thu nhập cao gấp từ 3 - 4 lần.
Ông Nguyễn Quốc Tưởng, Phó Chủ tịch xã Việt Thành cho biết: Nghề trồng dâu nuôi tằm đã được người dân đưa vào sản xuất từ lâu. Trước kia, do chưa nắm vững được quy trình kỹ thuật nuôi, cộng với thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Với cách làm mới, chuyển từ phương pháp nuôi bằng nong né sang nuôi trên nền xi măng vừa giảm được ngày công lao động, lại giảm được chi phí đầu vào và tăng năng suất. Người dân không tốn công bưng bê nong né, không phải thay phân hàng ngày, do vậy, tằm khỏe hơn khi ít bị di chuyển.
Người xưa đã nói: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, vì nghề nuôi tằm rất vất vả. Nếu tằm mắc bệnh thì coi như công cốc. Tuy nhiên, khi thành công thì tiền thu về khá lớn, mỗi lứa tằm chỉ nuôi hơn một tháng là có thể bán kén ra thị trường; tổng cộng một năm có thể nuôi được 10 - 13 lứa tằm.
Bên cạnh đó, cây dâu lại rất dễ trồng, chịu hạn tốt, một lần trồng có thể cho thu hoạch đến trên 10 năm. Trồng dâu nuôi tằm cũng không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vốn đầu tư không lớn nên người dân hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật chỉ sau một vài năm nuôi. Con tằm đang là hướng phát triển chủ lực của người dân trên địa bàn các xã Báo Đáp, Việt Thành.
- Đánh thức tiềm năng của đất (16/10/2017)
- . Rau sạch trên quê lúa từng bước mở rộng thị trường (05/10/2017)
- Mô hình nuôi heo bằng thức ăn sạch bước đầu thành công (02/08/2017)
- Tự làm nhà lưới thông minh sản xuất rau củ (24/07/2017)
- Ngạc nhiên về hiệu quả giải pháp xông khói diệt côn trùng (24/07/2017)
- 'Chữa bệnh' cho hồ tiêu (03/07/2017)
- Cùng nông dân bảo vệ môi trường (21/03/2017)
- Kỹ thuật trồng quất bon sai (20/03/2017)
- Dốc sức tiêu độc khử trùng (20/03/2017)
- Rau màu an toàn, hướng đi bền vững (20/03/2017)