Trồng hoa trên bờ ruộng lúa
14/03/2019

Vụ ĐX 2017 - 2018, Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã hợp tác SX hơn 10 loại giống lúa nguyên chủng và 2 loại giống đặc sản DTS 9 và DTS 19.

2 giống trên đang được đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận chính thức.

Vụ này, trại SX 3 loại giống lúa siêu nguyên chủng là OM 7347, OM 5451 và Butyl trên 5.000m2. Dự kiến, cung cấp cho nông dân khoảng 2 tấn lúa giống để canh tác trên 30ha. 3 loại giống lúa này có đặc tính kháng sâu bệnh, dễ canh tác và rất thích hợp với thời tiết, đất đai ở đồng bằng Nam bộ và vùng Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, trại đang trình diễn 23 giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL. Các giống đang cho thu hoạch. Vụ này trại giảm được chi phí đầu tư, bảo vệ được môi trường và tăng năng suất lúa, nhờ áp dụng trồng hoa trên bờ ruộng và các chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.

Ông Hoàng Văn Tấn, Giám đốc Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong cho biết: Trước khi gieo sạ khoảng 30 ngày, trại tiến hành trồng các loại bông có hương thơm và màu sắc sặc sỡ trên bờ đê cạnh bên cánh đồng SX lúa giống. Những loại bông hoa mà trại chọn gieo trồng chủ yếu là bông cúc, bông trang, hướng dương, sao nhái, đậu bắp…

Ông Tấn bày tỏ: “Việc áp dụng các phương pháp trên, bên cạnh lợi ích kinh tế, còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ nhận thức làm ra giống lúa sạch, chất lượng cao.

Đặc biệt, việc trồng bông trên bờ ruộng lúa đã thu hút, dẫn dụ các loại côn trùng có ích như: bướm, nhện, ong về diệt sâu rầy. Nhất là loài ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa. Sau đó, chúng bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng.

Trên ruộng lúa sâu rầy vẫn có, nhưng thiên địch sẽ nhiều hơn và giúp tiêu diệt sâu rầy nên giảm đáng kể mật số gây hại, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, tạo được sự cân bằng sinh học trên đồng ruộng.

Mục tiêu của việc trồng hoa chủ yếu là tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và giảm sử dụng thuốc BVTV trong giai đoạn đầu của cây lúa, nhằm tăng cường sức đề kháng cho hệ sinh thái và tiết kiệm được chi phí mua thuốc BVTV, không phải tốn thời gian, công sức phun xịt…”.

Theo tính toán, áp dụng mô hình trồng hoa trên bờ ruộng lúa và chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” vụ này, Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong đã giảm được chi phí đầu tư khoảng 3 triệu đồng/ha; năng suất lúa tăng lên từ 9 - 10 tấn/ha; chất lượng lúa giống cũng được nâng cao.

Anh Nguyễn Văn Thâm ở ấp 3, xã An Phong cho biết: “Thấy mô hình ruộng lúa bờ hoa của trại mang lại hiệu quả thiết thực, vụ HT tới, tôi sẽ áp dụng thực tế trên cánh đồng 3ha ruộng lúa của gia đình, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng cao lợi nhuận mà đặc biệt là cho ra sản phẩm lúa sạch, an toàn, không có dư lượng thuốc BVTV, bán được giá cao”.


Số lượt đọc: 979 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác