Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như thực hiện Luật Thương mại, Bộ KH&CN đã cùng các Bộ, ngành xây dựng một Thông tư để hạn chế quản lý việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, gọi chung là thiết bị cũ.
Theo Bộ trưởng, điều này là rất cần thiết, vì nếu chúng ta không quản lý tốt sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp nhập khẩu về, sau đó đưa vào sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, dẫn tới mất an toàn cho nền kinh tế. Chính vì thế, việc ban hành Thông tư sẽ góp phần kiểm soát việc nhập thiết bị cũ và đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào Việt Nam.
Một yếu tố rất quan trọng khác liên quan đến vấn đề này, đó là khi Việt Nam ký hiệp định đối tác chiến lược xuyên thái bình dương TPP các Hiệp định thương mại tự do với châu Âu… khi không còn hàng rào thuế quan và chúng ta phải tuân thủ luật lệ các hiệp định này thì hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với hàng nước ngoài là rất quan trọng. Nếu chúng ta nhập thiết bị cũ, dây chuyền cũ không thể có sản phẩm có chất lượng tốt, để có thể cạnh tranh được hàng hóa của nước ngoài.
Trả lời về lý do ngừng triển khai Thông tư 20 ban hành hồi tháng 9/2014, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, sau khi ban hành Thông tư 20, Bộ KH&CN đã nhận được nhiều phản ứng từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân là khi xây dựng thông tư vì tuân thủ luật thương mại và căn cứ tình hình của nước ta thời điểm đó, những tiêu chuẩn của thông tư ban hành khá cao vì vậy nhiều doanh nghiệp cảm thấy không đáp ứng được.
Mặt khác, khi thông tư được ban hành, Việt Nam chưa tham gia vào sân chơi chung của các Hiệp định thương mại tự do, nên các doanh nghiệp rất muốn tự do nhập khẩu các thiết bị cũ, đồng thời có những quy định có thể làm cho các doanh nghiệp cảm thấy không yên tâm về thủ tục rườm rà, thời gian có thể bị kéo dài hoặc không khả thi. Vì thế, Bộ KH&CN đã cho dừng thông tư để tiếp tục chỉnh sửa để phù hợp nhu cầu thực tế cũng như khả năng của các cơ quan quản lý.
Về dự thảo Thông tư mới thay thế cho Thông tư 20, Bộ trưởng cho biết, điểm mới của dự thảo Thông tư này là tuổi của thiết bị đã qua sử dụng không phải 5 năm mà tới 10 năm, trong những trường hợp đặc biệt các Bộ quản lý lĩnh vực có thể quyết định thời gian cao hơn.
Thứ hai là việc giám định chất lượng còn lại của thiết bị được chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Không phải đánh giá chất lượng còn lại mà đánh giá thiết bị đó dù được sản xuất ở đâu cũng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Hoặc nếu Việt Nam chưa có quy chuẩn thì phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước G7.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Thông tư này có thể giải quyết 5 vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp còn băn khoăn. Trong đó băn khoăn lớn nhất của các doanh nghiệp FDI, khi doanh nghiệp FDI có dự án đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi, khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu, họ đã tháo dỡ nhiều nhà máy từ các nước khác lân cận mang vào Việt Nam. Họ lo sợ Thông tư có thể làm cho việc đưa dây chuyền cũ của họ vào Việt Nam cũng như kéo dài thời gian làm thủ tục.
"Với dự thảo mới, những dự án đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam trong hồ sơ đã có thiết bị di chuyển từ nước khác sang đã được cơ quan cấp phép đầu tư hoặc cơ quan chấp nhận đăng ký đầu tư thông qua, phê duyệt rồi thì không phải tuân thủ quy định của thông tư này. Trường hợp họ không đưa vào trong hồ sơ dự án để được phê duyệt thì họ vẫn phải theo quy định của thông tư. Ngay cả theo quy định của thông tư thì quy định cũng đơn giản chỉ cần chứng thực giám định dây chuyền đó chưa quá 10 năm sử dụng và dây chuyền đó được sản xuất theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc G7 hoặc tương đương là chúng ta có thể thông quan nhanh chóng", Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới, Bộ KH&CN đã quy định thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu không phải theo đánh giá chất lượng còn lại mà là tiêu chuẩn sản xuất. Do đó, các máy móc dù sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, nếu như phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc G7 mới đủ điều kiện nhập khẩu thiết bị cũ vào Việt Nam. Nên dù các thiết bị sản xuất ở các nước lân cận nhưng đã sản xuất theo tiêu chuẩn G7 thì chất lượng cũng rất tốt.
Bộ KH&CN cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới cần cân nhắc trước khi nhập các thiết bị đã qua sử dụng. Bởi khi Việt Nam trở thành thành viên của hiệp định TPP... hàng hóa của doanh nghiệp của Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của các nước phát triển nhất thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... nếu doanh nghiệp dùng máy cũ, không thể nào tạo ra được sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý như thế là doanh nghiệp tự hại mình.
"Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp nên tính toán nhập các thiết bị tiên tiến hiện đại của các nước phát triển. Trong trường hợp bắt buộc phải mua thiết bị cũ, doanh nghiệp không nên mua thiết bị quá lạc hậu, bởi vì nhiều thiết bị có thời gian sử dụng 15-20 năm có thể vẫn còn tốt, nhưng không thể sản xuất ra những sản phẩm có thể cạnh tranh được với những sản phẩm của các nước tiên tiến. Vì vậy mà, tôi cho rằng thông tư này hợp lý, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông nói thêm./.
- Nuôi vịt biển thích ứng biến đổi khí hậu (20/03/2019)
- Sản xuất cà phê VietGAP (07/02/2019)
- Trồng nấm rơm trong nhà (06/02/2019)
- Cắt nguồn lây bệnh khảm lá sắn (29/10/2018)
- Australia tài trợ dự án giúp người nông dân trồng xoài (18/10/2018)
- Giống thanh long ruột đỏ TL5 (08/06/2018)
- Người đầu tiên nuôi gà Đông Tảo ở Bình Phước, thu nửa tỷ đồng/năm (21/05/2018)
- Thăm vườn rau số 1 tiên phong về quy mô công nghệ cao ở Thái Nguyên (11/05/2018)
- Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (29/03/2018)
- Ngưỡng mộ vườn cam lòng vàng VietGAP thu tiền tỷ mỗi năm (20/11/2017)