'Hốt bạc' nhờ trồng sầu riêng sạch và đứng ra bao tiêu cho trên 112 hộ
08/06/2018

Sau nhiều năm gắn bó và nghiên cứu, anh Phạm Hồng Lẫm ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã xây dựng mô hình SX sầu riêng sạch theo hướng hữu cơ, sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về quê tập trung tìm hiểu, nghiên cứu về cây sầu riêng. Trong suốt hơn 6 năm ăn, ngủ cùng với sầu riêng anh Lẫm nhận thấy, nhiều nhà vườn khó chấp nhận bón phân cân đối để có trái ngon, vì cho rằng bón phân ít trái không to. Thương lái cần một lượng sầu riêng đủ số lượng nên người dân sẵn sàng cắt trái khi chưa chín, chưa đủ phẩm chất ngon dẫn đến trái không đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, nhà vườn thường lo sợ khi để trái sầu riêng chín cây dẫn đến suy kiệt, trái nhẹ ký, dễ hư thối, bị chuột và nhen cắn phá… Vì vậy, anh Lẫm ấp ủ xây dựng mô hình trồng sầu riêng sạch và đứng ra bao tiêu khoảng 325ha sầu riêng của các nhà vườn ở huyện Phong Điền với 2 loại giống Moon thon và Ri 6.

Để cho ra trái sầu riêng sạch, có hương vị thơm ngon đến người tiêu dùng, anh Lẫm kiên quyết không chạy đua theo năng suất mà đưa chất lượng lên hàng đầu. Anh tư vấn kỹ thuật, cung cấp phân thuốc hữu cơ cho người dân, đến cuối vụ sẽ bao tiêu trái. Vì vậy sầu riêng liên kết SX bán ra thị trường luôn cao hơn so với SX bình thường khoảng 5 - 8%.

Anh Lẫm cho biết, mặc dù rất muốn ăn trái cây “vua” nhưng đa phần người tiêu dùng thường e ngại vì sầu riêng trồng được bón quá nhiều phân thuốc hóa học. Trái bẻ xuống còn sống phải nhúng hóa chất làm chín. Nghịch lý đây là một trong những vựa sầu riêng, nhưng người tiêu dùng chưa được thưởng thức trái sầu riêng đúng nghĩa. Câu trả lời nằm ở quy trình SX, muốn có trái sầu riêng đúng hương vị thơm, ngọt, béo và an toàn thì không thể thiếu một số yếu tố sau đây: Đầu tiên, khi xử lý ra hoa cây sầu riêng phải sung mãn; khi nuôi trái nên sử dụng phân bón hữu cơ cân đối, bón 3 đợt/năm với liều lượng từ 0,5 - 3kg/gốc (tùy cây lớn nhỏ), đa phần nhiều người rải phân chú trọng để trái to, nhưng sẽ làm vỏ dày, cơm không nhiều, phải khống chế để sầu riêng đạt trọng lượng chuẩn.

Thông thường, vùng ĐBSCL chất lượng sầu riêng thua so với vùng miền Đông do mực nước cao, mặt đất thấp, nước nông, rễ cây liên tục hút nước, giai đoạn gần cuối vụ thu hoạch, mực nước nông lên theo thủy triều hoặc do lượng mưa từ trên đổ xuống dẫn đến trái bị nhão và đắng.

Quan niệm của nhiều nhà vườn trồng sầu riêng giống như trồng cam sành, trồng vài năm bán có lời rồi đốn bỏ nên không cải tạo đất dẫn đến bộ rễ không phát triển, đất không đạt độ tơi xớp, độ phèn cao; rải phân, xịt thuốc vượt mức dẫn đến dư lượng tồn dư nhiều (Nitrat, thuốc BVTV, kể cả vi sinh…). Vì vậy, không được để cây sầu riêng bị dư nước do ngập mưa hoặc tưới quá nhiều. Đặc biệt, trái sầu riêng phải chín cây và không được dùng hóa chất để tẩm nhúng.

Để người tiêu dùng yên tâm chất lượng sầu riêng, anh Lẫm đầu tư tem thông minh truy xuất nguồn gốc trên từng trái. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại có hệ điều hành thông dụng quét lên tem điện tử sẽ truy xuất được các thông tin về nhật ký canh tác, hộ canh tác, đơn vị cung cấp, tất cả các thông tin khác trên từng trái.

 

 

Hiện tổng diện tích sầu riêng được anh Lẫm bao tiêu khoảng 325ha trên 112 hộ. Thông thường, sầu riêng được xử lý 2 vụ thu hoạch vào tháng 3 - 4 (âm lịch) và vào tháng 8 - 9, nếu có đầu ra ổn định sẽ tiếp tục tiến hành cho cây ra trái thêm vụ nghịch vào tháng 11 - 12. Mỗi năm anh xuất bán trên 3.000 tấn sầu riêng. Với giá bán sản phẩm khoảng 99.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.

 


Số lượt đọc: 721 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác