Nghị lực của chàng trai trẻ ngược lên vùng thâm sơn cùng cốc khởi nghiệp thành công
15/10/2018

Vùng đất xã Phủ Lý cheo leo giữa "xương sống" của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Bản Na Rau nằm chênh vênh, lạc lõng được coi như rẻo đất thẹo với 3 địa danh mà trước đây, chỉ nghe đến thì người dân đã ngán ngại là lũng Gốc Sồi, kẹm Trại Mán và sình Ao Cỏ.

Khai phá

Cũng chỉ hơn chục năm trước, đến Na Rau bằng xe máy thì phải đi qua cây cầu tre bồng bềnh nghiêng ngả, nối tạm hai bờ suối Phủ Lý. Đường ra trắc trở, lối vào hiểm yếu những tưởng phủ mờ Na Rau. Vậy mà chàng trai người dân tộc Tày Lã Văn Đặng đã tìm ra cho mình một lối thoát. Lối thoát ngược đầy cam go, vất vả nhưng đã được bù đắp xứng đáng.

Năm 2000, Đặng vừa tròn 20 tuổi. Tốt nghiệp cấp 3, sau 2 năm đi làm thuê mướn khắp nơi với chỉ chút ít lưng vốn, Đặng quay về bàn với mẹ về ý định vào lũng Gốc Sồi trồng rừng. Tức thì mẹ anh la lối om sòm, nào cả vùng này là rừng rồi còn chưa đủ hay sao mà đi trồng thêm. Rồi trèo leo vào lũng để ngủ với cuốc, với cắng thì chẳng mấy mà thành ma rừng, quỷ núi...

Đặng ngần ngại thăm dò cán bộ kiểm lâm về ý tưởng của mình thì lại được tán đồng nhiệt tình. Anh nhận cây keo dự án rồi ngược núi, trồng rừng. Mỗi gốc keo thấm đẫm mồ hôi của chàng thanh niên trẻ nhưng đổi lại anh chỉ nhận được sự ngán ngẩm của người thân kèm tiếng thở dài của đồng bào trong bản nhỏ.

Vụ đầu tiên, anh tự trồng được hơn 3 ha rừng. Quyết tâm làm rừng, anh thi vào học tại ĐH Nông lâm Thái Nguyên. Vậy là cứ ngày thì đi làm đủ thứ mưu sinh, tối lại phóng xe gần 40 km về thành phố theo học. Tiền dành dụm được, anh lại đổ lên trồng rừng. Qua vụ thứ 4 thì diện tích rừng của Đặng đã được 15 ha.

Tốt nghiệp đại học, Đặng được tuyển vào làm công chức xã. Rừng keo đang lớn cần chăm sóc chủ yếu do vợ anh đảm đương. Rừng nghèo kiệt lau sậy, tre nứa trước đây chẳng có chim muông, không nguồn sinh thủy. Qua vài năm được chăm sóc bởi nỗ lực của cặp vợ chồng trẻ, bóng keo phủ kín, xanh mướt núi đồi. Cây giữ nước cho đất, lũng Gốc Sồi ríu rít chim muông, nước nguồn chảy về đều đặn. Vợ chồng Đặng thuê máy ủi, máy xúc chặn dòng, đào đầm nuôi cá. Cả thảy, vợ chồng anh có thêm 2 ha ao cá với đủ các loại trắm, trôi, mè, chép...  

Hồi sinh

Phủ Lý, Na Rau vốn bị coi như vùng thâm sơn cùng cốc. Xen lẫn những quả đồi bát úp với bề mặt sỏi cơm cằn cỗi là những thùng vũng, suối kẹm. Ông Hoàng Thanh Đóa (Chủ tịch UBND xã Phủ Lý) cho biết, địa hình địa mạo của địa phương rất phức tạp. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 km nhưng trong số 1.500 ha đất tự nhiên thì Phủ Lý có tới một nửa là đất đồi rừng. Cái bất thuận ở đây là đồi núi liên tiếp xen kẽ với ao hồ, thùng vũng nên người dân rất khó khăn trong việc lựa chọn mô hình, phương thức làm ăn. Diện tích trồng lúa hạn chế lại lo ngập úng.

Những năm trước, việc đi lại ở Phủ Lý gặp nhiều khó khăn với liên tục những suối khe, cầu tre nứa bắc tạm. Xóm liền xóm nhưng có khi chỉ một cơn mưa rào đã chia cắt làng mạc thành những ốc đảo. Rừng có cây nhưng giá trị để vận chuyển một số lượng lâm sản xuống núi cũng tương đương với việc mua luôn số lượng đó trên thị trường. Người dân không ngó ngàng đến lâm nghiệp.

Để lâm sản, thủy sản không bị ép giá, vợ chồng Đặng cũng thuê máy làm đường vận xuất đến từng lô rừng. Bờ đầm được đắp rộng đủ cho ô tô tải chạy bên trên. Những lứa rừng đầu tiên đến kỳ thu hoạch mang lại giá trị lớn đã giúp vợ chồng anh trang trải được số nợ hàng tỷ đồng đã bỏ ra và tiếp tục đầu tư trồng mới.

Qua ba lần thu hoạch, giờ Đặng lái xe hơi vào tận chân rừng, khoát tay chỉ lối cho khách đến thăm. Đứng trên công trình đập nước, chàng trai nhỏ thó cho biết, mỗi năm, gia đình thu được 8 tấn cá các loại. Với giá bình quân chỉ 50 ngàn cũng đã có 400 triệu. Tận dụng tán rừng, anh chị nuôi dê, mặt nước hồ được thả thêm vịt. Dê và vịt cũng mang lại giá trị kinh tế rất tốt vì trên lũng chúng không bị bệnh dịch gì, chỉ mất tiền giống còn lại nguồn thức ăn chủ yếu là từ tự nhiên.

Thành quả kinh tế lớn từ lâm nghiệp mang đến giúp Đặng chuẩn bị dựng biệt thự bên hồ nước. Anh cho 3 con trai của mình theo học trường huyện. Tiếp đà phát triển, anh cũng dự định trồng một số cây dược liệu dưới tán rừng; nuôi thử một số loài cá đặc sản trong hồ nước chảy liên tục.

Ông Ngô Thanh Sơn (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương) cho biết, gọi là hướng đi ngược núi nhưng cách làm của Đặng lại thuận chiều với xu hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Mô hình của anh phát huy hiệu quả đã tạo sức lan tỏa lớn...

 

Từ một địa bàn yếu thế trong phát triển kinh tế, cũng không phải là địa bàn có diện tích rừng lớn nhưng đến nay, Phủ Lý lại là điểm sáng trong công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp, mô hình điểm về quản lý bảo vệ rừng. Có thể nói rừng chính là cuộc sống nên mỗi người dân đều nỗ lực chăm lo, bảo vệ...

 


Số lượt đọc: 766 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác