Hưng Yên làm nhiều mô hình VietGAP
29/10/2019

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã trình diễn thành công hàng chục mô hình, “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo quy chuẩn Việt Nam - VietGAP” trên các cây ăn quả.

Riêng trong năm 2018, Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh, tổ chức trình diễn 3 mô hình VietGAP trên cây vải và cây cam, bao gồm 10ha vải và 14ha cam Vinh, cam đường Canh.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết: Mô hình VietGAP trên cây vải triển tại xã Tam Đa (huyện Phù Cừ) đã giúp các nhà nông đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị nông sản sạch trên địa bàn Hà Nội, với giá bán cao hơn 25% so với sản phẩm cùng loại (không VietGAP) trên thị trường. Mô hình còn thu hút được sự quan tâm học hỏi của rất nhiều người dân trong và ngoài địa phương.

Mô hình VietGAP trên cây cam đang thực hiện tại 2 xã, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) và Quang Hưng (huyện Phù Cừ), mỗi xã 7ha. Qua thống kê sơ bộ, năng suất cam tăng không nhiều so với đối chứng (ngoài mô hình VietGAP), nhưng chất lượng thì vượt trội. Sản phẩm đã được Chi cục Quản lý chất lượng NLS & TS Hưng Yên cấp chứng nhận đảm bảo VSATTP. Đến nay hầu hết các nhà vườn cam VietGAP ở các địa phương nói trên, đều đã được thương lái đặt hàng thu mua với giá 28 - 30 nghìn đồng/kg, cao hơn sản phẩm cùng loại không VietGAP từ 5 - 7 nghìn đồng/kg.

Dẫn chúng tôi đi thăm khắp trang trại chuyên cam của gia đình, ông Vũ Hồng Quân ở thôn Thọ Lão (xã Quang Hưng) đã hồ hởi khoe với chúng tôi: Nhờ tham gia mô hình VietGAP trên cây cam, mà vụ này gia đình ông đã chắc được bội thu. Đã có thương lái đến đặt hàng mua xô cả vườn cam vinh (khoảng 65 tấn quả) với giá 1,8 tỷ đồng, cao hơn vườn cam đối chứng (không VietGAP) 300 triệu đồng.

Thu nhập vượt trội như thế này, từ nay về sau gia đình sẽ luôn gắn bó với VietGAP trên cây cam – ông Quân khẳng định.

Để chứng minh cho sự khẳng định nói trên, ông Quân đã mở cho chúng tôi xem nhật ký VietGAP trên cây cam, làm cơ sở áp dụng vào sản xuất những năm sau, như:

Không sử dụng phân chuồng, nước phân chuồng chưa qua xử lý hoai mục. Lượng phân bón cho cam (ha): Đạm urê 600kg. Lân supe 1.500kg. Kali clorua 600kg. Phân sinh học 3.125kg.

Bón sau thu hoạch quả (tháng 11; 12) toàn bộ phân lân, phân bón sinh học. Bón đón hoa (tháng 1; 2) 40% lượng đạm, 40% lượng kali. Bón nuôi quả (tháng 5; 6) 30% lượng đạm, 30% lượng kali. Bón thúc lộc thu kết hợp với nuôi quả, nốt số phân còn lại.

Cắt tỉa sau thu hoạch, cắt bỏ tất cả các cành nằm sâu trong tán, cành mọc quá dày trên tán và các cành vượt, cành gầy yếu, sâu bệnh. Kết hợp tiến hành vệ sinh đồng ruộng, quét vôi thân gốc cam, gom dọn thiêu huỷ các tàn dư thực vật có trong vườn. Cắt tỉa vụ xuân, cắt bỏ những cành nhỏ yếu, cành sâu bệnh, các cành có chùm hoa nhỏ. Cắt tỉa vụ hè, cắt bỏ các cành sâu bệnh, tỉa bỏ quả nhỏ, quả dị hình. Dưỡng nước duy trì độ ẩm đất vườn 70 - 75% trong suốt thời gian cây mang quả. Và tủ gốc giữ ẩm vườn cam vào các tháng mùa đông.

Mua thuốc BVTV tại các cửa hàng được nhà nước cấp phép kinh doanh. Sử dụng các loại thuốc trong danh mục nhà nước cho phép. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh cho vườn cam.

Phun Polytrin 440EC phòng trừ sâu vẽ bùa, khi  lộc non mới nhú 1 - 2cm.

Bẫy diệt ruồi vàng bằng bả Metyleuzernol + Nalet hoặc phun bón lá Suport dưỡng cây và xua đuổi ruồi vàng (chủ yếu trong tháng 8 và 9).

Thuốc trừ diệt nhện đỏ, nhện trắng, bao gồm, DC Tron Plus 0,5% , Pegasus 0,2%, Dylan 2EC, Map Winner 5WG. Trừ rầy chổng cánh bởi Dầu khoáng DC Tron Plus 0,5%, Sherpa 0,2%, để phòng bệnh greening trên cây có múi.

Chú ý, dừng bón phân và phun hoá chất bảo vệ thực vật trước thu hoạch quả 15 - 20 ngày. Phải vệ sinh dụng cụ sạch sẽ sau mỗi lần phun xịt thuốc. Nước rửa dụng cụ cần được xử lý, tránh làm ô nhiễm môi trường. Phải thu gom, cất giữ vỏ bao, thùng chứa hoá chất ở nơi an toàn cho đến khi xử lý theo qui định của nhà nước. Các hỗn hợp hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật dùng không hết cần được xử lý, đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường…

Thừa nhận hiệu quả rõ nét từ mô hình VietGAP trên cây cam tại địa phương, ông Nguyễn Văn Biết ở thôn 1 (xã Quảng Châu) đã thẳng thắn kiến nghị nhà nước ưu tiên kinh phí, hỗ trợ mở rộng nhanh các mô hình VietGAP trên cây ăn quả có múi và các cây rau ăn lá. Vì các loại cây trồng này rất mẫn cảm với sâu bệnh, nếu để người dân vô tình lạm dụng phân bón hoá chất và BVTV trong canh tác, thì lớp người hiện tại dễ bị mắc bệnh ung thư hoặc vô sinh, tương lai giống nòi sẽ bị khuyết tật hoặc thiểu năng trí tuệ.

 

Tỉnh Hưng Yên có hơn 10.000ha cây ăn quả đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh, đã mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, cho các gia đình nông dân trên địa bàn sở tại.

 


Số lượt đọc: 1358 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác