Giống ngô không bị sâu keo mùa thu tấn công
25/12/2019

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, sâu keo mùa thu đang gây hại trên ngô hè thu với gần 15.000ha ngô cả nước đã bị nhiễm sâu.

Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh cho biết, nhiễm nặng nhất là nhóm giống ngô nếp, ngô ngọt, tiếp đến là nhóm giống ngô thường, giống ngô kháng sâu bộ cánh vẩy (sau đây gọi là nhóm giống ngô Bt, như: NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT, DK6919S, DK9955S, CP501S...) nhiễm nhẹ nhất.

Phản ánh của bà con nông dân, ở những ruộng trồng ngô Bt tỷ lệ cây ngô bị sâu keo mùa thu phá hại ít hơn hẳn trong khi ở các ruộng trồng giống ngô thường thì tỷ lệ phá hại rất nặng nề, có nơi gần như mất trắng.

Theo các chuyên gia, sâu keo mùa thu có thể tấn công trên rất nhiều loài cây trồng nhưng ưa thích nhất là ngô. Nó đã phá hoại đặc biệt nghiêm trọng trên các vùng sản xuất ngô của Brazil, châu Phi và gần đây là Ấn Độ. Cần có một kế hoạch kiểm soát dịch hại tổng hợp để kiểm soát sâu keo mùa thu hiệu quả chuyển giao tới nông dân. Công cụ đó bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng công nghệ và các biện pháp quản lý hiệu quả dịch hại khác.

Sử dụng thuốc BVTV hiện đã được chứng minh là một trong số các giải pháp nhưng việc sử dụng thuốc BVTV phải được cân đối giữa thuốc phun và thuốc xử lý hạt giống. Giống Bt cũng là một cách tiếp cận theo hướng IPM trong quản lý sâu keo mùa thu. Giống ngô Bt đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và vì vậy người nông dân cần phải được tiếp cận với công nghệ này như là một giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh cây trồng công nghệ, tại Việt Nam, từ năm 2015 giống ngô Bt đã được cấp phép thương mại và đã được nông dân đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay quy trình khảo nghiệm, đăng ký và cấp phép lưu hành giống Bt mới cũng như nhập khẩu giống bố mẹ để sản xuất giống Bt trong nước đang tạm thời bị dừng lại. Vì vậy các sự kiện chuyển gen mới không được phê chuẩn, các giống Bt mới không được cấp phép lưu hành và giống bố mẹ Bt cũng không được phép nhập khẩu vào VN.

Đây là những vướng mắc mà các công ty phát triển công nghệ đang rất mong muốn được Bộ NN-PTNT tháo gỡ để có thể đưa được các giống Bt mang những sự kiện chuyển gen mới là công cụ kiểm soát sâu hại nói chung và đặc biệt sâu keo mùa thu.

Một vấn đề cũng rất cấp thiết là hiện nay do không được cấp phép nhập khẩu giống bố mẹ Bt vào VN để sản xuất giống F1 trong nước nên toàn bộ nguồn cung giống Bt phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu, doanh nghiệp không chủ động được sản xuất dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung vào những lúc cao điểm thời vụ.

Nếu được cấp phép nhập khẩu giống bố mẹ các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất giống Bt F1 tại Việt Nam, giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu, giảm giá thành vận chuyển cũng như tăng thêm thu nhập cho nông dân sản xuất giống.


Số lượt đọc: 150 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác