Việc sản xuất, kinh doanh hàng hoá đóng gói sẵn theo khối lượng hoặc thể tích đã trở thành phổ biến, chính vì vậy mà người sản xuất, kinh doanh không chân chính đã lợi dụng vào đặc tính của nó (không có sự chứng kiến của người mua) để thực hiện các hành vi vi phạm như: hàng hóa không đủ định lượng, thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng không đúng quy định, vi phạm về ghi nhãn… mà người tiêu dùngít để ý đến, làm thiệt hại đáng kể đến lợi ích của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng thờ ơ
Ngày 1-12, có mặt tại chợ Bà Rịa, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều quầy hàng bán các mặt hàng đóng gói sẵn. Tại các cổng chợ đều có đặt các cân đối chứng nhưng người mua rất hiếm khi dừng chân để kiểm tra lại sản phẩm đã mua. Anh Lê Nguyễn Bình Nguyên, ngụ ở tổ 10, khu phố 6 phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa cho biết, khi mua một món hàng nào đó anh ít khi có thói quen kiểm tra lại hàng xem có đủ trọng lượng hay không.
Mặc dù tình trạng gian lận thương mại trong đo lường trên thực tế có xảy ra nhưng người tiêu dùng vẫn còn rất thờ ơ. Ngày 1-12 có mặt tại cửa hàng tạp hóa Thảo (89 Lê Lợi, phường 4, TP.Vũng Tàu), phóng viên báo BR-VT làm một cuộc trắc nghiệm nhỏ với gần chục khách hàng vào mua hàng tại đây về việc có kiểm tra lại trọng lượng sản phẩm sau khi mua hay không thì đều nhận được cái lắc đầu. Chị Bùi Bình (105, Lê Ngọc Hân, phường 1, TP.Vũng Tàu) cho biết, chẳng bao giờ chị nghĩ đến cân lại món hàng mình mua vì 2 lý do: thứ nhất nhà không có sẵn cân, thứ 2 món đồ nhiều lúc mua chỉ là 1 gói đường, gói bánh, bịch đậu nên cũng chẳng kiểm tra làm gì. Theo chị Bình, có đôi lần chị cũng cảm nhận được mình bị cân thiếu nhưng đành “tặc lưỡi” cho qua.
Theo chị Thảo, chủ tiệm tạp hóa, khách hàng chưa có thói quen kiểm tra kĩ hàng đóng gói sẵn về trọng lượng mà chỉ quan tâm tới hạn sử dụng của hàng hóa ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Đối với các cơ sở mua bán lớn, có uy tín thì vấn đề “cân thiếu hàng” là hiếm khi xảy ra. Tình trạng vi phạm về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn thường rơi vào ở một số điểm bán hàng di động (hàng rong), các tiệm nhỏ lẻ không tên tuổi hoặc tại một số chợ. Chị Thảo cho rằng, việc gian lận rơi vào các trường hợp hàng tự đóng gói sẵn của nhà bán buôn. “Hiện nay cạnh tranh trên thị trường diễn ra khá gay gắt, do đó một số điểm bán hàng thường sử dụng “chiêu trò” câu khách bằng cách giảm giá sản phẩm, nhưng ngược lại họ móc túi khách hàng bằng cách khác, đó là bớt trọng lượng của món hàng xuống mà người mua rất ít khi quan tâm và để ý đến. Thậm chí cũng có nơi sử dụng “cân non” để đánh lừa khách hàng. Vì vậy, nếu có kiểm tra thì cũng khó phát hiện hàng bị cân thiếu” - chị Thảo nói.
Cân kiểm tra trọng lượng các sản phẩm hàng hóa tại cân đối chứng đặt tại Văn phòng Ban quản lý chợ Phước Nguyên (TP. Bà Rịa). |
Những con số giật mình
Mới đây, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề đối với hàng hoá đóng gói sẵn. Kết quả kiểm tra của các địa phương cho thấy, trong số 2.867 cơ sở được thanh tra có 556 cơ sở (chiếm tỉ lệ 19,5%) bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 1,7 tỉ đồng. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến nhất là về đo lường (chiếm 51%) như đóng gói thiếu so với khối lượng công bố trên bao bì, không ghi hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định lượng hàng đóng gói... Tiếp đến là các vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (chiếm 21%); hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng chiếm 6%…
Theo Bộ KH-CN, đối với hàng đóng gói sẵn, giữa người tiêu dùng và người sản xuất không có quan hệ mua bán trực tiếp, chỉ dựa trên thông số được nhà sản xuất công bố trên bao bì. Vì thế, nhóm hàng này đang nảy sinh nhiều sai phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp… Đại diện thanh tra Bộ KH-CN khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên tự kiểm tra hàng hóa khi mua để tránh bị gian lận. Nếu phát hiện vi phạm cần liên hệ với doanh nghiệp và các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để khiếu nại đòi quyền lợi”.
Giải pháp nào để ngăn chặn
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, đa số người tiêu dùng có niềm tin vào hàng đóng gói sẵn, ít kiểm tra lại nên quyền lợi bị xâm hại mà không biết. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần bớt chút thời gian để cân lại ở cân đối chứng khi mua hàng. Nếu người tiêu dùng thấy có dấu hiệu bất thường nào về trọng lượng của sản phẩm thì hãy phản ánh ngay với cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hội bảo vệ người tiêu dùng… “Nếu người tiêu dùng nâng cao ý thức, chung tay với nhà quản lý thì những sai phạm này sẽ được hạn chế rất nhiều”- bà Ngọc nói.
Để hạn chế tình trạng mua phải hàng hóa đóng gói thiếu trọng lượng, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm của các nhãn hiệu có uy tín để mua, nếu mua các nhãn hiệu khác thấy nghi ngờ về khối lượng, người tiêu dùng cần phải cân lại; Hiện nay ở hầu hết các chợ đều trang bị cân đối chứng, các cân này đều được Chi cục Đo lường chất lượng kiểm tra hàng năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong đo lường, ngoài việc xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cần công khai danh tính các DN, cơ sở hàng hóa vi phạm để người tiêu dùng cảnh giác, đồng thời ngăn chặn vi phạm tái diễn. Ngoài ra, tại tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh phải được trang bị đồng loạt các cân đối chứng để giúp người mua hàng kiểm tra lại trọng lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng hóa bị cân thiếu, cân không đủ số lượng.
- Chăn nuôi lợn nông hộ, những vấn đề đặt ra (04/05/2017)
- Nhiều mô hình hay giúp nông dân Kiên Giang thu nhập khá (20/10/2016)
- Thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng nhờ... xem tivi (19/07/2016)
- Trồng lạc trên đất lúa thiếu nước (19/07/2016)
- Bón phân hữu cơ cải tạo đất (19/07/2016)
- Nhân rộng chăn nuôi heo, gà sạch (02/06/2016)
- Sản xuất lúa sạch (06/04/2016)
- Người trồng chanh dây lãi lớn (29/03/2016)
- Trái cây tăng giá mạnh vì nắng nóng (29/03/2016)
- Tạo lợn siêu nạc bằng chỉnh sửa gen (21/03/2016)