Trong đợt thẩm định sản phẩm OCOP ở An Giang, gạo sữa Dương Xuân Quả đã được Hội đồng đánh giá đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh với mức phân hạng 3 sao.
Từ giống lúa OM4900, khi áp dụng công nghệ sấy ở độ ẩm thấp (dưới 12%), ông Dương Xuân Quả, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả (ở phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) đã tạo ra hạt gạo có màu trắng đục như sữa và xây dựng thương hiệu “Gạo sữa Dương Xuân Quả”. Sản phẩm độc đáo này vừa được xét công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020).
Sinh ra và lớn lên ở vùng chuyên canh nếp Phú Tân nhưng ông Dương Xuân Quả (tên thường gọi Năm Nhã) không theo nghiệp trồng nếp, mà đam mê nghiên cứu lò sấy với mong muốn nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch. Năm 2003, khi bắt tay vào nghiên cứu lò sấy, người nông dân chân đất này gặp rất nhiều khó khăn, từng nếm trải vài lần thất bại trước khi thành công bước đầu.
Năm 2007, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã. Sau khi dời trụ sở về phường Bình Đức (TP. Long Xuyên), trải qua thời gian hoạt động ổn định, năm 2018, Năm Nhã quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả. Công ty chuyên sản xuất, lắp ráp lò sấy cải tiến không trở mẻ công suất từ 2-80 tấn và các sản phẩm nông nghiệp khác, cung ứng trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Thời điểm này, ông cũng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu an toàn và nghiên cứu công nghệ sản xuất ra gạo sữa.
Ngay trên quê nhà ở xã Phú Xuân (Phú Tân), ông Dương Xuân Quả triển khai canh tác giống lúa OM4900 theo hướng an toàn. Bên cạnh 8ha đất của gia đình, ông còn hợp đồng với nông dân làm thêm 40ha. Cách canh tác lúa của ông Năm Nhã là hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, ông bón vôi lân Địa Long với trứng gà (sản phẩm có chứa nhiều nguyên tố trung lượng và vi lượng, có các vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân).
Ngoài ra, ông kết hợp phun bổ sung dinh dưỡng vào thời điểm 10 ngày và 45 ngày sau cấy. Trong quá trình canh tác, ông dùng nước ém cỏ cho chết (không xài thuốc diệt cỏ). Với kiểu canh tác mới, lúa vẫn đạt năng suất cao nhưng giảm được giá thành sản xuất từ 25-30%. Quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm gạo an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế tối đa việc dùng phân, thuốc hóa học, vốn ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sống.
Trong quá trình sấy lúa, ông Dương Xuân Quả phát hiện, khi sấy ở độ ẩm thấp (dưới 12%), hạt gạo xay ra có màu đục như sữa (gọi là gạo sữa), tỏa mùi thơm khi nấu, cơm dẻo, thơm, hạt cơm săn, hương vị đậm đà hơn. Đặc biệt, dù cơm để nguội sau 24 giờ vẫn dẻo, không bị ôi thiu.
Nhận thấy đây là sản phẩm tốt, giúp nâng cao giá trị hạt gạo, có tiềm năng phát triển nên ông đăng ký bảo hộ và được cấp bằng sáng chế độc quyền. Ông Năm Nhã sử dụng chính giống lúa OM4900 canh tác theo hướng an toàn để sản xuất gạo sữa bởi gạo xay từ giống lúa này có màu trắng trong, dài hạt. Khi được sấy đến ẩm độ thấp (còn gọi là quy trình tách nước khỏi hạt gạo), gạo chuyển sang màu trắng đục khá đẹp, có mùi hương nhẹ.
Cùng một loại lúa, nếu sấy đạt độ ẩm bình thường (14-15%), hạt gạo sẽ trong, mùi thơm giảm đi, để nguội không còn ngon, ăn ngán. Trong khi đó, khi sấy độ ẩm thấp, gạo thơm ngon hơn, tỷ lệ tấm thấp (dưới 3%), nấu cơm ăn ngon miệng, ít ngán mà còn để được lâu.
Để gạo sữa nấu cơm càng ngon, Năm Nhã chỉ “bí quyết” đơn giản: Sau khi nồi cơm điện chuyển sang nút “WARM” (giữ ấm), tiếp tục nhấn vào nút “COOK” (nấu) để nấu lần 2, giúp hương vị tăng lên, dù để nguội suốt hơn nửa ngày, cơm vẫn dẻo, mềm, ngọt. Trong đợt thẩm định, phân hạng sản phẩm cuối tháng 8 vừa qua (đợt 3 năm 2020), sản phẩm gạo sữa Dương Xuân Quả đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đánh giá đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh với mức phân hạng 3 sao.
Ông Dương Xuân Quả cho biết: Đây là điều kiện tốt để công ty đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thị trường cho gạo sữa. Chúng tôi quyết tâm xây dựng gạo sữa Dương Xuân Quả thành đặc sản An Giang tiêu thụ khắp cả nước, để người dân nước mình biết đến sản phẩm gạo thơm ngon hơn gạo Thái, Campuchia mà giá hợp lý hơn.
Sắp tới, công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu gạo sữa theo mô hình “cánh đồng lớn”, có liên kết và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân để mọi nhà đều có thể dùng được gạo ngon với mức giá hợp lý. Đồng thời, nâng cao giá trị hạt gạo cũng như thu nhập của nông dân tham gia liên kết.
Năm 2020, ông Dương Xuân Quả dự kiến sản xuất 200 tấn gạo sữa, cung ứng chủ yếu cho người tiêu dùng đô thị. Dự kiến đến năm 2024, ông đặt mục tiêu sản xuất 2.000 tấn gạo sữa để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Công ty sẽ đẩy mạnh tham gia các hội chợ, hội thảo, giới thiệu sản phẩm qua khách hàng mua máy sấy, quảng bá trên mạng, báo điện tử…
- Sản xuất cà phê VietGAP (07/02/2019)
- Trồng nấm rơm trong nhà (06/02/2019)
- Cắt nguồn lây bệnh khảm lá sắn (29/10/2018)
- Australia tài trợ dự án giúp người nông dân trồng xoài (18/10/2018)
- Giống thanh long ruột đỏ TL5 (08/06/2018)
- Người đầu tiên nuôi gà Đông Tảo ở Bình Phước, thu nửa tỷ đồng/năm (21/05/2018)
- Thăm vườn rau số 1 tiên phong về quy mô công nghệ cao ở Thái Nguyên (11/05/2018)
- Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (29/03/2018)
- Ngưỡng mộ vườn cam lòng vàng VietGAP thu tiền tỷ mỗi năm (20/11/2017)
- Giới thiệu kỹ thuật ứng dụng vi sinh trong chăn nuôi (20/11/2017)