Các vùng trồng hoa ở Hà Nội đang chạy đua với thời gian nhằm khôi phục sản xuất sau khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chuẩn bị sản phẩm kịp tiêu thụ dịp cuối năm.
Khẩn trương sản xuất
Tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội), người trồng hoa nơi đây cho biết, do thời điểm tháng 4, tháng 5/2020, một số thôn trong xã (nhất là thôn Hạ Lôi) phải thực hiện lệnh cách ly xã hội 28 ngày do dịch bệnh Covid-19 nên người dân không được phép ra đồng.
Vì vậy, toàn bộ diện tích hoa trong thôn không được chăm sóc, khiến sâu bệnh phát triển mạnh, chủ yếu là bệnh nấm, bọ trĩ, rệp sáp làm nhiều diện tích hoa bị khô thân, chậm phát triển, một số bị nhiễm bệnh nặng dẫn đến chết cây...
Ông Nguyễn Đình Thiết (xóm Đường, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) cho biết: Gia đình có 4 sào trồng hoa, trong đó gần một nửa diện tích bị chết phải nhổ bỏ do thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19 không thể chăm sóc. Hiện do giá hoa giống, thuốc trừ sâu và phân bón đang tăng cao nên gia đình ông đã cải tạo luống, chuyển sang trồng rau.
Ông Nguyễn Đình Thực ở cùng thôn Hạ Lội cũng cho biết, có 6 sào trồng hoa hồng, chủ yếu là đất đi thuê. Từ khi cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19, toàn bộ diện tích trồng hoa hồng của gia đình bị sâu bệnh phá hoại nặng, khó khôi phục nên đành phải nhổ bỏ 5 sào và trả lại các diện tích đất đi thuê, hiện chỉ còn 1 sào đã chuyển sang trồng rau.
Tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), ông Nguyễn Văn Toàn (thôn Đại Bái) cho biết, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, nhu cầu chơi hoa của người dân cũng giảm mạnh so với mọi năm nên người trồng hoa gần như không có lãi.
Bên cạnh đó, một số đợt mưa lớn kéo dài trong nửa cuối tháng 10/2020 cũng khiến một số diện tích hoa bị thối rễ, chậm phát triển...
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và hiện thời tiết đang rất thuận lợi để hoa phát triển. Người trồng hoa đang khẩn trương chăm bón, phun thuốc thường xuyên để khôi phục lại những trà hoa kém phát triển, đồng thời gieo trồng những trà hoa mới như cúc, ly... để kịp thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán.
Chị Đỗ Thị Luyến (xóm Đường, xã Hạ Lôi) cho biết, gia đình đang có 9 sào trồng các loại hoa. Theo chị Luyến thời điểm hiện tại giá hoa đang giữ ở mức tương đối khá so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do hiện nay, lượng cung về hoa đang bị hạn chế bởi sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, hoa không được chăm sóc, sau đó lại gặp thời tiết mưa nhiều nên hiện tại gia đình nào giữ được thì mới có hoa bán, giá khá cao. Thời điểm hiện tại, mỗi sào có thể thu về khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 12 -15 triệu.
Chuyển mạnh sang trồng hoa vào chậu, bầu đất
Thời gian gần đây, để khắc phục vấn đề về diện tích trồng hoa hạn hẹp, cũng như đón đầu thị hiếu của người chơi hoa, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang hình thức trồng hoa trong chậu và bầu đất, bước đầu cho kết quả rất khả quan.
Ông Nguyễn Duy Thanh (xóm Đường, Hạ Lôi) hiện có khoảng 1.300 bầu hoa cho biết: Do diện tích đất gieo trồng của gia đình bị hạn hẹp, cùng với việc đất trồng hoa dần bị bạc màu nên trồng hoa theo kiểu truyền thống gặp nhiều khó khăn. Hiện gia đình ông Thanh đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa vào bầu đất, đầu tư mua bầu, mua đất ở nơi khác về trồng trong chậu để đảm bảo giàu dinh dưỡng.
Theo đánh giá của các nhà vườn trồng hoa ở Mê Linh, việc trồng hoa vào bầu đất giúp cây phát triển ổn định hơn vì đất thường xuyên được thay mới, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho hoa, đồng thời thuận lợi trong việc di chuyển cũng như che chắn nếu gặp thời tiết không thuận lợi.
Một yếu tố nữa để người dân chọn hướng đi trồng hoa vào bầu đất là dễ dàng trồng các loại hoa theo thị hiếu của người chơi.
Ông Nguyễn Kế Thống, trưởng thôn Hạ Lôi cho biết, toàn thôn có 615 hộ với khoảng 40 ha diện tích đất trồng hoa chủ yếu là hoa hồng. Hiện nay, do diện tích đất trồng hoa trong thôn của các hộ gia đình hạn hẹp nên người dân Hạ Lôi phải đi thuê ruộng ở các xã lân cận như Tráng Việt, Tiền Phong, Quang Minh…
Gía thuê đất trồng hoa hiện khá cao, vừa gây khó khăn trong việc chăm sóc cũng như bảo vệ các trà hoa. Vì thế, ngoài việc phát triển trồng hoa theo kiểu truyền thống, nhiều hộ từng bước chuyển dịch sang hướng trồng hoa vào bầu đất, cũng như cập nhật các giống hoa mới mà thị trường ưa chuộng về trồng.
“Trồng hoa theo hướng dịch chuyển dần sang trồng vào chậu và bầu đất là hướng đi mới, bước đầu mang lại hiệu quả tương đối cao, vừa giải quyết được vấn đề quỹ đất hạn hẹp, vừa thuận tiện trong việc bảo vệ cũng như thay đổi các loại hoa bắt kịp với nhu cầu của thị trường”, ông Thống cho biết.
- Đồng Tháp: Bảo tồn 550 ha quýt hồng trước nguy cơ cây bị dịch bệnh (07/12/2020)
- Liên kết chuỗi sản xuất chè an toàn (07/12/2020)
- Trời chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt đắt hàng (07/12/2020)
- Bệnh lem lép hạt giai đoạn lúa trổ quản lý như thế nào? (07/12/2020)
- Hạn chế lạm dụng hóa chất để canh tác cây ăn trái (07/12/2020)
- Thuần hóa rau rừng, đưa vào siêu thị và nhà hàng nổi tiếng (07/12/2020)
- Nam Định: Bắp niễng rớt giá (07/12/2020)
- Vụ đông Thái Bình đang 'về đích' (07/12/2020)
- Nông dân hiến kế cách ‘sống khỏe’ với cây tiêu (07/12/2020)
- Chăm sóc vườn cây ăn quả sau mưa lũ (07/12/2020)