Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta
03/07/2017

Xuân Trường là bí danh của đồng chí Hoàng Văn Nhủng, người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông hy sinh trong trận đánh thứ ba của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) tại Đồng Mu (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đêm mồng 4 rạng sáng 5-2-1945. Để ghi nhận công lao và sự đóng góp của ông đối với cách mạng, chính quyền địa phương đã quyết định lấy tên ông đặt cho địa danh ấy: Xã Xuân Trường.

“Lấy ngay súng của mình, đánh đi...”

Từ TP Cao Bằng về huyện Bảo Lạc rồi lên xã Xuân Trường khoảng 150km đường “lưng chừng núi, lưng chừng mây”. sau những thắng lợi giòn giã ở Phai Khắt, Nà Ngần, Đội VNTTGPQ đã chọn đồn Đồng Mu, thuộc xóm Nà Đoỏng, xã Đồng Mu (nay là xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc) làm mục tiêu thứ ba. Bởi lẽ, đây là đồn giặc Pháp có vị trí quan trọng, kiểm soát tuyến đường từ Đồng Mu sang Sóc Hà (Hà Quảng) và đường từ Pác Lũng (xã Huy Giáp) sang Ba Bể (huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn)… để cách mạng phát triển xuống miền xuôi thì việc đánh đồn, mở thông huyết mạch giao thông là công việc cần kíp. Thế nhưng, đây là đồn được xây dựng khá kiên cố, nhiều lô cốt, tường dày, có lỗ châu mai, giao thông hào, thép gai bao bọc. Trong đồn, có nhiều lính khố đỏ do 3 tên sĩ quan Pháp chỉ huy và một số lính dõng... Sau khi trinh sát nắm tình hình, Ban chỉ huy đội nhận định không thể áp dụng cách đánh như khi đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần (cải trang đột nhập) mà phải lợi dụng đêm tối bí mật, tiến công tiêu diệt địch.

Đêm 4-2-1945, theo kế hoạch, đội tiến hành đột nhập chiếm nhà chỉ huy, sau đó các hướng đánh vào cùng nội ứng tiêu diệt địch. Thế nhưng, khi các tiểu đội của Xuân Trường, Quang Trung, Nam Long bí mật đột nhập thì bất ngờ bị địch phát hiện, chống trả quyết liệt. Tình huống diễn ra ngoài dự kiến, đồng chí Đàm Quang Trung cơ động quay trở ra, đề xuất với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Lộ rồi, đề nghị anh và anh Hoàng Sâm ở lại vị trí chỉ huy, chúng tôi vào được đồn sẽ cử người ra liên lạc".

Được sự đồng ý của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đàm Quang Trung dẫn một tổ xông vào đồn. Dù địch bắn ra rất rát, tổ vẫn đột nhập được vào trong đồn, nổ súng và đánh giáp lá cà. Tiểu đội trưởng Xuân Trường dẫn một tổ đột nhập theo lối cửa sổ, tiêu diệt ngay tên đốc gác và một số tên khác. Đạn hết, không kịp thay, Xuân Trường rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào nhà chỉ huy, một số tên nữa bị diệt, quân địch rút vào cố thủ trong lô cốt, chống cự rất quyết liệt. Xuân Trường dừng lại để nạp đạn thì bị một viên đạn bắn xuyên qua ngực, ngã gục xuống. Lúc này, tổ tiếp ứng bên ngoài cũng vừa tới nơi, Xuân Trường gượng dậy gọi Thế Hậu: "Mình bị đạn rồi, cậu lấy ngay súng của mình, đánh đi!". Thế Hậu chạy tới đỡ Xuân Trường lên. Nhưng Xuân Trường gạt tay và giục: "Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên". Chỉ nói được vậy, Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng trong lúc tiếng súng còn vang dội.

Trận đánh chưa hạ được đồn, nhưng ta diệt được 20 tên địch, thu 5 súng trường mút-cơ-tông và một số đạn, bắt được 3 tù binh. Khi toàn đội đã rút ra ngoài, Ban chỉ huy cử một số đồng chí ở lại cùng cơ sở và nhân dân tổ chức an táng đồng chí Xuân Trường. Trước lúc hành quân, toàn đội cúi đầu mặc niệm vĩnh biệt người đồng chí, đồng đội anh dũng, trung kiên.

 Hoàng Văn Nhủng quê ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). 18 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Trường và huyện Bảo Lạc ghi: Tuổi niên thiếu, Hoàng Văn Nhủng đã chứng kiến dân bản quê mình sống lầm than, cơ cực dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Vì vậy, con đường độc lập dân tộc trở thành khát vọng nung nấu cho chàng thanh niên Hoàng Văn Nhủng. Năm 1936, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển, Hoàng Văn Nhủng và em trai Hoàng Văn Vân được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc viên. Năm 1939, hai anh em bị bọn mật thám bắt, tra tấn dã man, giam giữ khoảng nửa năm, nhưng kiên quyết không khai. Cuối cùng, chúng phải thả hai anh em. Được trả tự do, các anh tiếp tục hoạt động. Để che mắt bọn mật thám, anh Nhủng lấy bí danh Xuân Trường. Giữa năm 1940, Xuân Trường cùng với một số cán bộ cách mạng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng được cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Liễu Châu, Trung Quốc). Đầu năm 1944, đồng chí về nước và hoạt động cách mạng chủ yếu ở vùng Lục Khu, Hà Quảng. Tháng 12-1944, Xuân Trường là một trong những đội viên vũ trang xuất sắc của châu Hà Quảng được chọn vào Đội VNTTGPQ. Sau trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần (Nguyên Bình) thắng lợi, tiểu đội của Xuân Trường cùng với anh em trong đội trở về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi hành quân lên đánh đồn Đồng Mu. Sau cuộc hành quân dài hàng trăm cây số, qua nhiều rừng rậm, hiểm trở, có nhiều thú dữ và thổ phỉ; Xuân Trường và đồng đội hành quân đến đồn Đồng Mu, anh dũng chiến đấu và mãi mãi nằm lại mảnh đất này.

Xuân Trường hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa có gia đình. Ngày 19-8-1961, đồng chí được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là liệt sĩ, và anh chính là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta. Để khắc ghi tên tuổi người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương mình, xã Đồng Mu-nơi diễn ra trận đánh năm xưa, nay đã được đổi tên thành xã Xuân Trường.

Trải qua các giai đoạn cách mạng, noi gương liệt sĩ Xuân Trường, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên mảnh đất biên cương gian khó xã Xuân Trường đã có nhiều thế hệ đem sức trẻ cống hiến xây dựng cuộc sống mới. Thượng úy Trần Đức, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Trường cho biết: "Bây giờ, xã Xuân Trường có đến 3 tuyến đường huyết mạch quan trọng; hệ thống trường học, trụ sở Đảng ủy, UBND xã, đồn biên phòng… được xây dựng khang trang và đều mang tên Xuân Trường. Đó là điều kiện vật chất cần thiết và là bệ đỡ tinh thần to lớn để xã Xuân Trường phát triển đi lên, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Xuân Trường.


Số lượt đọc: 1015 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác