Hộ khẩu với dân số
07/11/2017

Truyền thông mô tả cả nước đang “reo vui” với Nghị quyết 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà theo đó, hàng loạt thủ tục về quản lý dân cư sẽ không dùng sổ hộ khẩu nữa. Chậm nhất đến đầu năm 2019, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc cấp thẻ căn cước công dân trong cả nước hoàn thành, thẻ căn cước công dân sẽ dùng để giải quyét các giấy tờ, thủ tục hành chính của công dân thay cho sổ hộ khẩu có “tuổi đời” đã hơn nửa thế kỷ.

Ai cũng hiểu, khi bỏ sổ hộ khẩu, thì nạn lạm dụng hộ khẩu để đặt ra những quy định làm khổ dân sẽ giảm. Xã hội tiết kiệm được chi phí lớn về công của, thời gian để làm những giấy tờ liên quan đến hộ khẩu. Người nhập cư không còn bị phân biệt khi ứng tuyển công chức, viên chức nhà nước, đăng ký việc làm hoặc hưởng các dịch vụ thiết yếu. Trẻ em không gặp khó khi đi học vì không có hộ khẩu.v.v… và nói chung, các cách đối xử định kiến với dân “di cư”, kẻ “ngụ cư” có cơ hội được xóa bỏ. 

Đây được xem là cải cách mạnh mẽ nhất về thể chế hành chính, có tác động rộng rãi và sâu sắc nhất đến mọi lĩnh vực - trong đó có lĩnh vực dân số. Ngay trong buổi họp báo để thông tin về chính sách “Dân số và Phát triển” mà Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 đề ra, Bộ Y tế đã lên tiếng đề nghị xóa bỏ chế độ hộ khẩu, vì cho rằng cách quản lý dân cư bằng hộ khẩu đã hạn chế rất lớn các quyền dân sự cơ bản của công dân, từ đó tác động tiêu cực đến chất lượng dân số.

Theo Bộ Y tế, chỉ 34% dân số nước ta sống ở đô thị, tỷ lệ này thấp so với nhiều nước trên thế giới, một phần do chính sách hộ khẩu duy trì quá lâu. Đô thị là những nơi có chất lượng sống tốt, có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Việc dùng hộ khẩu để hạn chế người dân chuyển đến sống tại các đô thị vừa khiến những nơi này thiếu nguồn lao động, thiếu người tài, vừa làm mất đi cơ hội cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhiều thế hệ công dân, từ đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dân số.  

Riêng với phụ nữ và trẻ em, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố hồi tháng 6 - 2016 cho biết, nằm trong nhóm người không có hộ khẩu nói chung và mặc dù đã phải cùng chịu “số phận” bị đối xử không công bằng như nói ở trên, nhưng phụ nữ, trẻ em – đặc biệt trẻ em gái – còn là thành phần yếu thế nhất, bị nhiều phân biệt và thiệt thòi nhất. Không có hộ khẩu, trẻ không được học trường công, trường chất lượng cao, và ít có cơ hội đến trường hơn so với trẻ thường trú. Cha mẹ cũng thường ưu tiên “chạy” cho con trai vượt các rào cản về hộ khẩu để được đi học, còn con gái thì không. Phụ nữ gánh vác nghĩa vụ sinh con, nuôi dưỡng con để duy trì, phát triển giống nòi, nên chất lượng đời sống, mức độ hoàn thiện bản thân của họ có ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của dân số. Đấy là lý do Bộ Y tế lên tiếng để giúp họ thoát khỏi những thiệt thòi không đáng có vì chính sách hộ khẩu lạc hậu.

Sổ hộ khẩu đã bắt đầu quá trình bị thay thế, tuy vậy người dân vẫn có mối lo. Liệu tàn dư của chế độ hộ khẩu có hoàn toàn bị xóa bỏ? Liệu có nảy sinh các hình thức biến tướng “hậu hộ khẩu” không? Tình trạng đối xử thiếu công bằng với các nhóm dân do điều kiện về cư trú của họ có thật sự chấm dứt, và do đó, có còn ám ảnh sự phát triển lành mạnh của dân số nữa không? v.v… Điều này phụ thuộc rất lớn vào hiệu lực công tác chỉ đạo, kiểm tra của Chính phủ.đối với việc thực hiện Nghị quyết 112/NQ-CP của các bộ, ngành, địa phương.

 


Số lượt đọc: 1124 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác