CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC TRỪNG PHẠT HAY ĐỐI XỬ TÀN ÁC, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ THẤP NHÂN PHẨM, 1984
08/03/2019

Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, gồm có 3 phẩn, 33 điều, tập trung vào những nội dung chính như sau:

Điều 2.

1. Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình.

2. Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.

3. Mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.

Điều 3.

1. Không một quốc gia thành viên nào được trục xuất, đẩy trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nơi có nhiều lý do thực tế để tin rằng người đã có nguy cơ bị tra tấn.

2. Để xác định xem có những lý do đó hay không, các nhà chức trách có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm sự tồn tại của một mô hình vi phạm các quyền con người một cách thô bạo, trắng trợn và phổ biến ở quốc gia liên quan, nếu có.

Điều 4.

1. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của bất kỳ người nào đồng loã hoặc tham gia việc tra tấn.

2. Mỗi quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng.

Điều 5.

1. Mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu ở điều 4, trong các trường hợp sau:

a) Khi hành vi phạm tội được thực hiện trên bất cứ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của quốc gia hay trên tàu thuỷ hoặc máy bay đăng ký ở quốc gia đó.

b) Khi người bị tình nghi phạm tội là công dân của quốc gia đó.

c) Khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy thích đáng.

2. Mỗi quốc gia thành viên cũng phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội này trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có mặt ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình và quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi theo điều 8 đến bất kỳ quốc gia nào nói ở khoản 1 điều này.

3. Công ước này không loại trừ bất kỳ quyền tài phán hình sự nào được thực thi theo pháp luật quốc gia.

Điều 6.

1. Sau khi kiểm tra thông tin có được, nếu thấy rằng hoàn cảnh yêu cầu, bất kỳ quốc gia thành viên nào mà trên lãnh thổ của mình người bị nghi là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại điều 4 đang có mặt, phải bắt giam người đó hoặc tiến hành những biện pháp pháp lý khác để bảo đảm sự hiện diện của người đó. Việc giam giữ và các biện pháp pháp lý khác phải tuân theo các quy định pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ có thể được duy trì trong một thời gian cần thiết để tiến hành bất kỳ thủ tục tố tụng hay dẫn độ nào.

2. Quốc gia nêu trên phải tiến hành ngay việc điều tra sơ bộ sự việc.

3. Bất kỳ ai bị giam giữ theo khoản 1 điều này phải được giúp đỡ liên hệ ngay với đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc, nếu người đó là người không quốc tịch, với đại diện của quốc gia nơi người đó thường trú.

4. Khi một quốc gia bắt giữ một người theo quy định tại điều này, quốc gia đó phải thông báo ngay cho quốc gia nói tại khoản 1 điều 5 về việc người đó bị bắt giữ, và hoàn cảnh đòi hỏi phải bắt giữ người đó. Quốc gia tiến hành điều tra sơ bộ nói ở khoản 2 điều này phải nhanh chóng thông báo kết quả điều tra của mình cho các quốc gia nói trên và cho biết có dự định thực thi quyền tài phán hay không.

 Điều 7.

1. Quốc gia mà trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình phát hiện người được cho là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại điều 4, sẽ phải chuyển vụ việc lên cơ quan thẩm quyền của quốc gia đó để truy tố, trong các trường hợp nêu tại điều 5, nếu quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi.

2. Những cơ quan thẩm quyền này phải quyết định tương tự như trường hợp của bất kỳ hành vi phạm tội thông thường nào có tính chất nghiêm trọng theo pháp luật của quốc gia đó. Trong các trường hợp nói ở khoản 2 điều 5, tiêu chuẩn về chứng cứ cần thiết để truy tố và kết tội phải không kém nghiêm ngặt hơn những tiêu chuẩn áp dụng cho các trường hợp nói tại khoản 1 điều 5.

3. Bất kỳ người nào đang là đối tượng của quá trình tố tụng vì bất kỳ hành vi phạm tội nào nói tại điều 4 phải được bảo đảm đối xử công bằng trong mọi giai đoạn tố tụng.

Điều 8.

1. Những hành vi phạm tội nói tại điều 4 phải được coi là các tội có thể dẫn độ theo bất kỳ điều ước quốc tế về dẫn độ nào nếu có giữa các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên cam kết đưa những hành vi phạm tội này vào danh mục các tội có thể dẫn độ trong các điều ước quốc tế về dẫn độ sẽ được ký kết giữa họ với nhau.

2. Nếu một quốc gia thành viên chỉ cho phép dẫn độ khi có điều ước quốc tế về dẫn độ mà nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác không có điều ước quốc tế về dẫn độ với mình thì quốc gia đó có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những hành vi phạm tội này. Việc dẫn độ sẽ phải tuân thủ những điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.

3. Các quốc gia thành viên không đặt điều kiện dẫn độ bằng việc có điều ước quốc tế về dẫn độ phải công nhận những hành vi phạm tội này là tội có thể dẫn độ giữa họ với nhau, theo những điều kiện do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.

4. Những hành vi phạm tội này phải được xử lý, vì mục đích dẫn độ giữa các quốc gia thành viên, như thể chúng được thực hiện không chỉ tại nơi xảy ra tội phạm, mà cả trên lãnh thổ của các quốc gia được yêu cầu xác lập quyền tài phán của mình theo khoản 1 điều 5.

Điều 9.

1. Các quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa về các thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với những hành vi phạm tội nói tại điều 4, kể cả việc cung cấp bằng chứng cần thiết mà họ có được cho việc tiến hành tố tụng.

2. Các quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo khoản 1 điều này phù hợp với bất kỳ điều ước quốc tế nào về tương trợ tư pháp có thể có giữa các quốc gia này.

Điều 10.

1. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng giáo dục và tuyên truyền về nghiêm cấm hành động tra tấn được đưa đầy đủ vào chương trình đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức và những người khác mà có thể liên quan đến việc giam giữ, thẩm vấn hoặc đối xử với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam giữ hay cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Mỗi quốc gia thành viên phải đưa việc nghiêm cấm này vào các quy tắc hoặc hướng dẫn được ban hành về nhiệm vụ và chức năng của tất cả những đối tượng kể trên.

Điều 11.

Mỗi quốc gia thành viên phải rà soát một cách có hệ thống các quy tắc, hướng dẫn, phương pháp và thực tiễn thẩm vấn cũng như các cơ chế giam giữ và đối xử với những người bị bắt, giam giữ, cầm tù dưới mọi hình thức, ở bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình, nhằm mục đích ngăn chặn mọi vụ việc tra tấn.

Điều 12.

Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình sẽ tiến hành điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.

Điều 13.

Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó, và và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm doạ vì như là hậu quả của việc khiếu nại hoặc cung cấp bằng chứng.

Điều 14.

Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có quyền hưởng sự bồi thường.

2. Không một quy định nào trong điều này ảnh hưởng tới bất kỳ quyền được bồi thường nào của nạn nhân hay của người khác có thể có theo pháp luật quốc gia.

Điều 15.

Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có lời khai đó.

Điều 16.

1. Mỗi quốc gia thành viên cam kết ngăn ngừa trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình những hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm khác mà không giống với tra tấn như định nghĩa ở điều 1, khi những hành vi này do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức thực hiện, hoặc do xúi giục, đồng tình hay ưng thuận. Cụ thể là những nghĩa vụ quy định tại các điều 10, 11, 12 và 13 sẽ được áp dụng, trong đó các dẫn chiếu về hành động tra tấn sẽ được thay thế bằng các dẫn chiếu về các hình thức đối xử và trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.

2. Các quy định của Công ước này sẽ không làm phương hại tới các quy định của bất kỳ văn kiện nào khác trong pháp luật quốc tế hay pháp luật quốc gia mà nghiêm cấm các hành động đối xử và trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm, hoặc liên quan đến các vấn đề dẫn độ hay trục xuất.

Điều 19.

1. Các quốc gia thành viên phải trình lên Uỷ ban, qua Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, báo cáo về các biện pháp họ đã tiến hành để thực hiện cam kết theo Công ước này trong vòng một năm sau khi Công ước có hiệu lực với các quốc gia thành viên đó. Sau đó, các quốc gia phải trình báo cáo bổ sung bốn năm một lần về bất kỳ biện pháp mới nào được tiến hành và các báo cáo khác mỗi khi Uỷ ban có yêu cầu.

2. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các báo cáo tới tất cả các quốc gia thành viên.

3. Mọi báo cáo sẽ được Uỷ ban xem xét, Uỷ ban có thể đưa ra nhận xét về các báo cáo nếu thấy phù hợp và gửi các nhận xét đó cho quốc gia thành viên liên quan. Quốc gia thành viên đó có thể gửi ý kiến trả lời của mình cho Uỷ ban.

4. Uỷ ban có thể tuỳ ý quyết định đưa nhận xét của mình theo khoản 3 điều này, cùng với những ý kiến nhận được sau đó từ quốc gia thành viên liên quan, vào báo cáo thường niên của mình theo quy định tại điều 24. Nếu quốc gia thành viên liên quan yêu cầu, Uỷ ban cũng có thể đưa bản sao của báo cáo được đệ trình theo khoản 1 điều này vào báo cáo thường niên của Uỷ ban.

Điều 20.

1. Nếu Uỷ ban nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những dấu hiệu có cơ sở là việc tra tấn đang được tiến hành một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, Uỷ ban sẽ mời quốc gia thành viên đó hợp tác trong việc kiểm tra thông tin và vì mục đích này, đưa ra ý kiến về những thông tin liên quan đó.

2. Xem xét mọi ý kiến mà quốc gia thành viên liên quan có thể đưa ra, cũng như bất kỳ thông tin liên quan nào khác có được, Uỷ ban có thể, nếu thấy cần thiết, cử một hay nhiều uỷ viên tiến hành một cuộc điều tra kín và khẩn trương báo cáo kết quả với Uỷ ban.

3. Khi tiến hành một cuộc điều tra theo khoản 2 điều này, Uỷ ban phải tìm kiếm sự hợp tác của quốc gia thành viên liên quan. Theo thoả thuận với quốc gia thành viên liên quan, cuộc điều tra có thể bao gồm một chuyến thăm viếng lãnh thổ của quốc gia đó.

4. Sau khi xem xét kết quả điều tra do một hay nhiều thành viên của mình đưa ra theo khoản 2 điều này, Uỷ ban sẽ chuyển kết quả điều tra này cho quốc gia thành viên cùng những nhận xét hay khuyến nghị mà Uỷ ban cho là thích hợp về vụ việc.

5. Mọi trình tự hoạt động của Uỷ ban đề cập tại các khoản từ 1 đến 4 của điều này sẽ được giữ kín, và tại mọi giai đoạn, Uỷ ban phải tìm kiếm sự hợp tác của quốc gia thành viên liên quan. Sau khi những trình tự liên quan tới một cuộc điều tra theo khoản 2 điều này kết thúc, Uỷ ban có thể, sau khi tham khảo ý kiến của quốc gia thành viên liên quan, quyết định đưa vào báo cáo thường niên của mình theo điều 24 bản tóm lược kết quả quá trình điều tra.


Số lượt đọc: 970 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác