Chính sách bảo hiểm xã hội năm 2019 có gì mới?
14/07/2019

Năm 2019 đánh dấu sự thay đổi của nhiều chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) mà người lao động và người sử dụng lao động cần biết. Dưới đây là tổng hợp về những thay đổi này.

1 - Thay đổi tiền lương tối thiểu, tối đa tính đóng BHXH bắt buộc

- Thay đổi về tiền lương tối thiểu đóng BHXH:

Quyết định 595/QĐ-BHXH chỉ rõ, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không được thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường và cao hơn nhất 7% lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Từ năm 2019, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP. Theo đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu cũng phải tăng lên tương ứng.

- Thay đổi về tiền lương tối đa đóng BHXH:

Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Trong khi đó, mức lương cơ sở từ thời điểm 01/07/2019 sẽ được tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng theo tinh thần của Nghị quyết 70/2018/QH14. Như vậy, từ thời điểm này, mức tiền lương tối đa đóng BHXH bắt buộc của người lao động là 29.800.000 đồng/tháng, thay vì 27.800.000 đồng như trước đó.

2 - Tăng hàng loạt trợ cấp bảo hiểm xã hội

Như nêu trên, từ ngày 01/07/2019, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh lên 1,49 triệu đồng/tháng, thay cho mức 1,39 triệu đồng/tháng trước đây. Do đó, hàng loạt khoản trợ cấp BHXH cũng sẽ tăng lên tương ứng. Điển hình như:

- Trợ cấp thai sản: Tăng từ 2,78 triệu đồng/tháng lên 2,98 triệu đồng/tháng (tức 02 lần mức lương cơ sở, theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Tăng từ 417.000 đồng/ngày lên 447.000 đồng/ngày (tức 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 29, Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

- Trợ cấp mai táng: Tăng từ 13,9 triệu đồng lên 14,9 triệu đồng (tức 10 lần tháng lương cơ sở, theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Trợ cấp tuất hàng tháng: Tăng từ 695.000 đồng/tháng lên 745.000 đồng/tháng với mỗi thân nhân; riêng với thân nhân không có người nuôi dưỡng tăng từ 973.000 đồng/tháng lên 1,043 triệu đồng/tháng  (tức từ 50% - 70% mức lương cơ sở, theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)…

 3 - Điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 - 2021

Năm 2019 cũng là thời điểm Nghị định 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng. Theo Nghị định này, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 - 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng sẽ được điều chỉnh lương hưu.

Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu x Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.

Trong đó, nếu nghỉ hưu từ năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH. 

4 - Thay đổi mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động

Cuối năm 2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP trong đó quy định mới về chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo Nghị định này, trong năm 2019, khi ký hợp đồng lao động với người nước ngoài, người sử dụng lao động phải đóng 3% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Từ năm 2022, người sử dụng lao động phải đóng 14% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; người lao động nước ngoài phải đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.


Số lượt đọc: 1191 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác