Chuyện chưa kể về lần phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
30/11/2019
Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, Bác Hồ đã bàn với Trung ương thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội trong đó có hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Chủ trương này của Bác đã được toàn thể thành viên trong Hội đồng Chính phủ hoan nghênh trong cuộc họp ngày 19/01/1948.

Ngay sau đó một ngày, ngày 20/01/1948, Bác Hồ đã ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Theo sắc lệnh này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng. Các đồng chí Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng. Đáng chú ý trong dịp này có duy nhất một người được phong quân hàm cấp Trung tướng là đồng chí Nguyễn Bình. Bác và Trung ương đã cân nhắc: Đối với Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu sớm nhất, đã trên hai năm, do đó phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình. Ngoài ra, một số cán bộ cấp Cục hoặc chỉ huy các Liên khu cũng được phong quân hàm cấp Đại tá. Việc phong quân hàm chỉ mới tiến hành cho những cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân.

Sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948. Ảnh tư liệu

Hội đồng Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức Lễ phong quân hàm cấp tướng vào ngày 27/5/1948. Tuy nhiên, trong những ngày đó trời mưa rất to, các sông, suối nước lớn không thể qua lại được, các đại biểu chưa đến đủ. Hội đồng Chính phủ họp phiên toàn thể, quyết định một số vấn đề quan trọng trong ngày 27/5/1948, cuộc họp này kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong và tiếp tục họp vào sáng hôm sau 28/5/1948.

 Do những điều kiện lịch sử cụ thể như vậy, nên hồi 13h ngày 28/5/1948, Lễ phong quân hàm cấp tướng đã được tổ chức trọng thể tại một Hội trường mới dựng còn thơm mùi vách nứa bên dòng suối ở cánh đồng Nà Lọm, Phú Đình, Định Hóa. Phía trong Hội trường đặt bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập nhất định thành công ”. Buổi Lễ hôm ấy đã diễn ra thật xúc động.

Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn – Trưởng ban Ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác Hồ tay cầm Sắc lệnh gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên, bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả Hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…” Tiếp đó, Bác trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp Sắc lệnh. Cụ Bùi Bằng Đoàn – Trưởng ban Ban Thường trực thay mặt Quốc hội, đồng chí Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chúc mừng. Đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xúc động phát biểu, vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sỹ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho vinh dự cao cả đồng thời hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm trọn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Sau buổi Lễ trọng thể, trong buổi nói chuyện thân mật, ôn lại truyền thống lịch sử, Bác nói: “Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh của những người đã khuất…”.

Vậy là, từ sự kiện cuối tháng 5 năm 1948 ở Chiến khu Việt Bắc, lần đầu tiên, một Lễ phong quân hàm cấp tướng đã diễn ra trọng thể, lần đầu tiên trong quân đội nhân dân Việt Nam có cấp Đại tướng, Trung tướng, mỗi quân hàm trao cho một người và quân hàm cấp Thiếu tướng trao cho một số đồng chí. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn cho thấy sự quan tâm của Bác, của Trung ương Đảng, Chính phủ ta lúc ấy chăm lo cho sự phát triển của Quân đội nhân dân ta.

Bác nói: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Đối với kỷ luật, “mệnh lệnh từ trên xuống dưới phải thấm tới mỗi đội viên… Báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng, thiết thực… Phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt. Ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”. Đối với binh sĩ, thì “từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, tới cái ăn cái mặc, nhất thiết phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo đánh, họ sẽ hăng hái đánh… Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu”. Đối với dân “bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”. Đối với địch, thì “tuyệt đối chớ khinh địch… khinh địch thì nhất định sẽ thất bại”.

Những lời Bác căn dặn đối với các tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc thật giản dị nhưng rất sâu sắc. Điều ấy thể hiện sự tin tưởng của Bác khi giao nhiệm vụ nhưng cũng hết sức nghiêm cẩn, trao trọng trách cho những vị tướng chỉ huy trong quân đội ta.

 


Số lượt đọc: 1318 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác