Hưởng ứng phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", thời gian qua đã có nhiều tấm gương hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Phước Hưng phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều chị em phụ nữ đã biết vượt qua khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Với truyền thống “Trung hậu, đảm đang”, trong cuộc sống hiện đại, nhiều chị em phụ nữ của xã Phước Hưng đã mạnh dạn phát huy khả năng, vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho lao động khác trong xã. Điển hình là hai chị em ruột: Nguyễn Thị Quế- Nguyễn Thị Mai- hội viên Chi hội phụ nữ ở ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng là một trong những điển hình ấy.
Hai chị em Mai- Quế tại cơ sở của mình
Chị Nguyễn Thị Quế (sinh năm 1988), tổ 16 ấp Lò Vôi sinh ra trong gia đình thuần nông. Đến tuổi lập gia đình, hai vợ chồng chị vẫn “không có gì trong tay” nên chị luôn trăn trở làm sao để kinh tế gia đình đi lên. Chồng chị Quế vốn là một thợ mộc giỏi. Chị Quế động viên chồng tiếp tục công việc của mình, bản thân chị cũng xin nghỉ làm công nhân, về hỗ trợ chồng. Vốn ít, ban đầu xưởng mộc của vợ chồng chị cũng ít khách. Nhưng hai vợ chồng cứ tỉ mẩn làm ăn, ai nhờ gì cũng làm, miễn sao có đồng tiền xoay vòng vốn mua gỗ, thiết bị máy móc. Vốn tính cẩn thận, lại chịu khó học hỏi sáng tạo, xưởng mộc của chị dần đông khách. Năm 2016, thông qua Hội phụ nữ xã, chị Quế vay 42.000.000đ mua thêm máy cho xưởng. Có đồng tiền xoay vòng, chị nhập thêm gỗ, nhận thêm công việc làm tủ, bàn, ghế cho các nhà hàng, resort trên địa bàn. Việc ngày càng nhiều, gia đình chị thuê thêm 5 người thợ với mức lương 250.000 – 350.000 đồng/ngày công tùy tay nghề thợ. Ngoài ra, buổi trưa, chị Quế còn đi chợ, nấu ăn nuôi cơm thợ để “Họ có sức khỏe tốt, làm việc cho mình càng hiệu quả hơn”, như lời chị Quế tâm sự. Chăm chút từng sản phẩm, lại quan tâm chăm lo từng bữa ăn đủ chất cho những người thợ, nên cách làm chủ của vợ chồng chị Quế rất được lòng thợ, đồng thời tạo sự tin tưởng với khách hàng. Một ngày đẹp trời, đại diện Hội LHPN xã đã đến thăm, khi ấy cơ sở của chị đang chuẩn bị gỗ, cuối tuần chuyển sang lắp đặt tại một khách sạn trên địa bàn Thành phố Vũng Tàu. Chị Quế cho hay, việc cập nhật những mẫu mới, tư vấn tỉ mỉ cho khách, làm kỹ lưỡng với từng sản phẩm là cách để chị gây dựng thương hiệu riêng cho xưởng mộc, tạo sự tín nhiệm của khách hàng. Người này giới thiệu người khác, đến nay, chị đã có lượng khách hàng ổn định, thậm chí nhiều khi làm không hết việc. Từ chỗ chật vật trong cuộc sống, hiện xưởng mộc của gia đình đã mang lại hiệu quả cao, thu nhập hơn 200.000.000đ/năm sau khi trừ chi phí, đồng thời tạo việc làm thường xuyên, liên tục, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Chuẩn bị các công đoạn cho sản phẩm
Không thua kém em gái, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn, chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1982), chị gái của chị Quế được nhiều người dân địa phương nhắc đến với sự quý mến, tôn trọng. Chị Mai vốn là một thợ may hàng gia công. Trước đây chị đi làm công ăn lương, thu nhập đủ trang trải trong cuộc sống. Hơn 3 năm trước, chị đầu tư máy may về tự nhận hàng, may gia công đồng phục học sinh, áo bảo hộ lao động, áo khoác tại nhà. Tính tình cẩn thận, chị Mai chăm chút từng đường may, mũi chỉ, nhờ đó mà sản phẩm của chị chất lượng tốt, được người tiêu dùng đón nhận. Một mình làm không xuể, chị vận động những phụ nữ khác trong xã cùng làm, mở rộng sản xuất. Năm 2016, chị được Hội Phụ nữ xã cho vay vốn 42.000.000đ, mua thêm máy cắt, máy đóng nút, máy làm khuy, nhập vải từ chợ đầu mối trên TP. Hồ Chí Minh để sản xuất được nhiều hơn. Hiện xưởng của chị Mai mướn thêm 10 lao động, trong đó 4 lao động tại xưởng được nuôi cơm, còn lại là thợ trong xã nhận hàng về may tại nhà. Mức lương của thợ dao động từ 4.000.000đ-10.000.000đ/tháng tùy số lượng sản phẩm. Hàng do xưởng sản xuất được bỏ mối ở các chợ: Phước Tỉnh, Tân Thành, Long Hải và các tỉnh miền Tây, số lượng “bao nhiêu cũng hết” như lời chị Mai tâm sự. Là một người được nhận làm việc tại xưởng của chị Mai, chị Yến cho biết, trước đây, chị không có việc làm ổn định, nên cuộc sống chật vật. Sau khi được người quen giới thiệu, chị đến xin việc tại xưởng của chị Mai. “Ban đầu tôi chưa quen, làm chậm, nhưng chị Mai luôn động viên và hướng dẫn cụ thể. Giờ tôi đã thạo việc, mức lương theo đó mà nâng lên, từ 3.000.000đ thời gian đầu, giờ lương của tôi được 8.000.000đ/tháng. Có công việc, nên chị Yến tự tin hơn, có thu nhập ổn định lo cho con đi học.
Các lao động khác đang làm việc tại cơ sở
Theo chị Nguyễn Thị Mai, nhắc đến đồng phục học sinh, nhiều người nghĩ ngay đến việc nhập sản phẩm từ thành phố Hồ Chí Minh vì sự đa dạng về kiểu dáng, giá cả. Để cạnh tranh được với từ các mối trên TP. Hồ Chí Minh, ngay từ khi bước chân vào làm thị trường đồng phục, chị luôn xác định bảo đảm các tiêu chí: chất lượng vải, chất lượng cắt, may. Mỗi lô hàng về, chị đều kiểm tra rất kĩ từng đường kim mũi chỉ trước khi đóng bao, xuất xưởng. Do kĩ lưỡng, sản phẩm của xưởng chị dần uy tín trên thị trường nên dù mỗi bộ đồng phục cao hơn 5-7.000đ so với hàng TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn được khách hàng chọn, tin dùng. Nhờ sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, hiện xưởng may mang lại cho gia đình chị Mai 300.000.000đ/năm (sau khi trừ chi phí). Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong may mặc làm kinh tế giỏi, chị Mai, còn là một phụ nữ đảm đang, quán xuyến chăm lo cho mái ấm gia đình, nuôi dạy các con nên người đầu tư cho các con ăn học đầy đủ, vì thế các con chị đều ngoan ngoãn học giỏi.
Làm kinh tế gia đình thành công nhưng chị Mai vẫn luôn nhiệt tình, tâm huyết trong vai trò hội viên phụ nữ. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được chị luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với bà con lối xóm cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Chị là hội viên phụ nữ tiêu biểu của chi hội bởi chị tích cực tham gia phong trào thi đua do hội liên hiệp phụ nữ xã Phước Hưng phát động. Thường xuyên có mặt trong các buổi sinh hoạt hội, sẵn sàng tham gia cùng chị em trong chi hội, giúp đỡ phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ gia đình kinh tế khó khăn, chị Mai đã nỗ lực vươn lên trở thành hộ gia đình khá giỏi trong xã, chị được mọi người tin tưởng, quý trọng. Chị Mai là tấm gương điển hình về người phụ nữ: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Là mẫu phụ nữ hiện đại trong thời buổi công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước nhưng luôn chịu thương chịu khó.