Thêm nhận thức về 06 chữ: "Độc lập - Tự do- Hạnh phúc" trong Quốc hiệu Việt Nam.
07/09/2020
Quốc hiệu là tên gọi chính thức của một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn gắn với một thể chế chính trị được lựa chọn khách quan bởi lịch sử. Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ 1945 đến nay (từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn không thay đổi nội dung và hình thức trình bày; chỉ càng ngày càng được nhận thức đầy đủ bản chất và ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, trọng đại.

 

 

Tại Sắc lệnh Luật số 50 ngày 9/10/1945, lần đầu tiên 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đứng trang trọng giữa đầu trang Sắc lệnh.

 

Đọc văn bản Sắc lệnh số 49 ngày 12/10/1945 mới thấy rõ hơn những căn cứ: “Xét vì bắt đầu từ ngày 2/9/1945 nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập cho toàn thể quốc dân và thế giới biết; Xét vì ngày 24/8/1945 Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và giao chính quyền lại cho Chính phủ dân chủ cộng hoà; Xét vì cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta, nhưng độc lập, tự do và hạnh phúc mà chính thể dân chủ cộng hoà mang lại cho dân chúng”; Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh “Khoản I: Các công văn, công điệp, phiếu, trát, đơn từ, các báo chí, chúc tự, điếu văn, khấn vái, cúng lễ, v.v..., bắt đầu từ ngày ký Sắc lệnh này đều phải tiêu đề: Việt Nam dân chủ cộng hoà”.

 

Quốc hiệu là tên gọi chính thức của một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn gắn với một thể chế chính trị được lựa chọn khách quan bởi lịch sử. Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu từ đó đến nay (từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn không thay đổi nội dung và hình thức trình bày; chỉ càng ngày càng được nhận thức đầy đủ bản chất và ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, trọng đại.

 

Hồ Chủ tịch gọi đó là “ba chính sách” và tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (9/11/1946), Người phát biểu: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc. Chúng ta không mong gì hơn nhưng chúng ta không chịu gì kém”.

 

Trả lời một nhà báo nước ngoài (16/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tuyên bố “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948), Người nói đến việc thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra”.

 

Tuy đề cao “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Văn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói đến “chủ nghĩa” chung chung mà Người viết cụ thể dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Người đặc biệt luôn đặt ở hàng đầu hai chữ “Độc lập” như điều kiện tiên quyết tối cần thiết để đảm bảo mọi tự do, hạnh phúc thực sự có cho bất cứ dân tộc, dân quyền hay dân sinh nào.

 

Còn nhớ khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa kết thúc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt những người dân An Nam gửi đến Hội nghị quốc tế ở Versseilles, Pháp (năm 1919) Bản yêu sách 8 điểm đòi tự do độc lập cho thuộc địa, trong đó rất nhấn mạnh đến dân quyền khi nêu các điểm cụ thể: “3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”.

 

Ngay trong năm ấy, khi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp hỏi mong muốn điều gì, Nguyễn Ái Quốc trực diện đối đáp thẳng: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập” và năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Lenin, tìm thấy con đường cách mạng vô sản cũng từ khát khao “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

 

“Độc lập” là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, tức là phải “tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi”; nhưng “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin”. “Độc lập” theo con đường cách mạng triệt để là “làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”, “nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do, bình đẳng giả dối”.

 

“Độc lập” ở Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 “đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân... xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hoà và thống nhất độc lập”. “Độc lập” ấy của toàn dân tộc sau khi giành được đã nêu cao ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; dù “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”

 

Nhưng “Độc lập” không tách biệt với “Tự do”, “Hạnh phúc” mà phải gắn liền một cách hữu cơ và biện chứng với nhau như những điều kiện và mục tiêu tối thượng.

 

Trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Hồ Chủ tịch nói rõ “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

 

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (10/1/1946), Người lý giải: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

 

“Tự do” và “Hạnh phúc” là kết quả của “Độc lập” nhưng phải là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bởi vì “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.

 

Nói “Tự do” và “Hạnh phúc” là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng. “Tự do” và “Hạnh phúc” cơ bản nhất, tối thiểu nhất theo cách nói của Hồ Chí Minh là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến… Điều đó trong chế độ dân chủ cộng hòa thì mỗi người dân được pháp luật đảm bảo điều kiện trong việc tự cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính độc lập cá nhân và phát triển toàn diện; việc mưu cầu hạnh phúc và đem lại phúc lợi xã hội cho con người trở thành quyền công dân, mỗi người dân và toàn xã hội đều có nghĩa vụ và trách nhiệm chung.

 

Như thế ta hiểu tại sao 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cần có gạch nối 3 từ không thể tách biệt, như là điều kiện và mục đích của nhau vậy. Kể từ năm 1945, đó là nhiệm vụ và quyền lợi của “tất cả đồng bào Việt Nam, không phân biệt gái trai, già trẻ, giàu nghèo, tôn giáo, chủng tộc, cùng nhau đoàn kết để giữ vững nền độc lập và mưu cầu hạnh phúc tự do”.

 

Càng tiến xa hơn trong dòng chảy lịch sử, chúng ta càng thấy rõ tầm chiến lược nhưng rất thiết thực của mục tiêu-đích đến-khát vọng của dân tộc, dân quyền và dân sinh; càng hiểu thêm bản Tuyên ngôn Độc lập được mở đầu bằng “Lời bất hủ”: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; càng hiểu thấu đời người - như Chủ tịch Hồ Chí Minh “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và cả 8 mục tiêu chung trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc tháng 9/2000 (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển) suy cho cùng cũng vẫn không ngoài 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” trong di sản Hồ Chí Minh.
---------------------------
Theo: Hà Minh Hồng (Báo Chính phủ).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt đọc: 486 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác