Rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc đang được bày bán tràn lan trên thị
trường. Trong đó, nhiều loại rượu chứa chất độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng
đến sức khỏe người tiêu dùng. Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng tăng
cường công tác kiểm tra, xử lý.
NHẬP NHÈM RƯỢU NGOẠI
Trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa hàng kinh doanh rượu ngoại. Trong vai khách hàng, chúng tôi ghé vào một cửa hàng trên đường Bacu –TP.Vũng Tàu, nơi đây đang trưng bày trên kệ nhiều loại rượu ngoại đắt tiền, thương hiệu nổi tiếng như: Chivas, Johnnie Walker, Macallan, Ballantine’s, Martell, Royal Salute, Hennessy và các loại rượu vang nhập khẩu từ Mỹ, Áo, Chile, Pháp, Singapore, Bungary. Hầu hết các chai rượu đều được dán tem hàng nhập khẩu, có tem khá mới, có tem đã cũ, nhàu nát. Một số chai rượu ngoại có dán phụ đề tiếng Việt nhưng chữ nhỏ li ti, nhập nhèm; còn những chai in toàn chữ nước ngoài thì không thấy ghi rõ nơi sản xuất, thành phần, nguyên liệu, nồng độ cồn cụ thể.
Khi hỏi mua một chai rượu vang Pháp, bà chủ cửa hàng cho biết chỉ bán rượu vang Áo với giá từ 120-180 ngàn đồng/chai 1 lít, đồng thời khuyên: “Rượu vang Pháp thời gian qua bị làm giả nhiều bằng cách nhập khẩu dạng nước rồi mang về Việt Nam pha chế, sau đó đóng chai và dán tem hàng nhập khẩu”. Khi chúng tôi hỏi còn chai rượu vang ngoại nào giá rẻ hơn, bà chủ đưa một loại rượu vang bảo xuất xứ từ Áo, giá chỉ 120 ngàn đồng/lít, nhưng bên ngoài vỏ chai chỉ in vài dòng chữ nước ngoài sơ sài, khó xác định đây có phải là rượu vang của Áo hay không?
Chúng tôi đến Shop rượu số 172 Lê Hồng Phong (phường 4, TP. Vũng Tàu), nơi chuyên bán các loại rượu ngoại và rượu sản xuất trong nước. Chị Nguyễn Thị Bích Liên, chủ Shop rượu cho biết chỉ bán những loại rượu chính hãng do các công ty ở Việt Nam nhập khẩu với tem, nhãn, mác đầy đủ. Khách hàng thường chọn mua nhiều loại rượu ưa chuộng như Whisky, Ballantine’s, Remy Martin, Chivas, Hennessy, Macallan, vang (Pháp, Chile, Úc). Theo chị Liên, trên thị trường hiện nay khá nhiều rượu ngoại bị làm giả hoàn toàn từ chai, tem, nhãn dán bên ngoài cho đến rượu bên trong. Phổ biến nhất là làm giả một phần với chai thật, nhãn thật bên ngoài nhưng bên trong là rượu giả (pha cồn, hương liệu và màu; dùng rượu ngoại rẻ hơn để đóng chai; lên đời rượu như Chivas 12 lên đời thành Chivas 18 hay 21; một phần rượu thật pha rượu khác vào). Giá bán chai rượu ngoại làm giả thường rẻ hơn rượu thật chính hãng khoảng 100-300 ngàn đồng.
Ông Lê Quang Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) cho biết, qua các vụ việc kinh doanh rượu ngoại mà Chi cục kiểm tra cho thấy, tại các cơ sở kinh doanh cố định, hàng hóa không có dán tem rượu nhập khẩu, hoặc có nhưng là tem giả được trưng bày, hay chứa trong kho tại địa điểm kinh doanh lẫn lộn với hành hóa chính hãng. Nhiều lô hàng không có hóa đơn chứng từ, được trình bày là do mua trôi nổi, hình thức thanh toán tiền ngay, không biết thông tin về người bán. Đơn cử như tháng 12-2016, Đội QLTT số 1 kiểm tra, phát hiện và xử lý cửa hàng rượu Minh Hương (TT. Phú Mỹ, huyện Tân Thành) đang bày bán 48 chai rượu Whisky Royal Salute 21 Y.O do nước ngoài sản xuất mà không chứng minh được nguồn gốc số rượu này, cũng như không có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu. Bà chủ cơ sở này cho biết, số rượu được mua từ một người đi ô tô chở đến tận cửa hàng chào bán. Thấy rẻ nên bà đồng ý mua với hình thức nhận hàng và thanh toán ngay, không có hóa đơn chứng từ kèm theo.
RƯỢU TỰ NẤU, TỰ NGÂM – KHÔNG RÕ XUẤT XỨ
Trên thị trường hiện có nhiều loại rượu tự nấu (thường gọi là rượu đế), giá rẻ được bày bán ở hầu hết các tiệm tạp hóa và gần như chưa được kiểm soát. Qua tìm hiểu được biết, rượu đế trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện nay đều được nấu tại các hộ dân ở các huyện với thành phần gạo, hay nếp ủ lên men; bên cạnh đó, Rượu đế còn có loại pha chế nước với cồn công nghiệp. Nhiều tiệm tạp hóa mặc dù không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn “vô tư” chưng biển quảng cáo rượu công khai. Người mua dễ dàng mua được rượu tại các cửa tiệm tạp hóa, kể cả trẻ con.
Bên cạnh rượu đế tự nấu, các loại rượu thuốc tự ngâm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng được bày bán tại nhiều nhà hàng, quán nhậu. Trong vai thực khách, chúng tôi đến quán lẩu bò 69 (số 93 Lê Lai, phường 1, TP. Vũng Tàu) trong lúc người ra vào tấp nập. Cùng với bán lẩu bò, quán còn bán kèm các loại rượu ngâm cho khách. Trong quán có trưng bày khoảng 10 bình rượu ngâm các loại như: chuối hột, ngọc dương, tắc kè, bìm bịp, thuốc đông y… với giá từ 10 – 38 ngàn đồng/xị. Nhiều bình rượu bên ngoài dán nhãn tiếng Việt còn cả tiếng Trung Quốc quảng cáo nhiều tác dụng, như: bổ thận, tráng dương, ích tinh tủy; trị nhức mỏi và cứng gân cốt; rượu Minh Mạng - nhất dạ lục giao… “Làm vài ly này bảo đảm ông uống – bà khen”, đưa tay chỉ bình rượu ngọc dương, nhân viên quán lẩu bò 69 tư vấn. Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng, nơi sản xuất cũng như tại sao lại có cả chữ Trung Quốc trên chai rượu, nhân viên này chỉ trả lời chung chung và trấn an: “Anh cứ yên tâm, quán lấy rượu từ một cơ sở sản xuất uy tín ở tỉnh Long An. Lâu nay, khách uống rượu của quán chưa gặp vấn đề gì!”. Mặc dù vậy, chúng tôi chỉ yêu cầu vài chai bia thay cho xị rượu tự ngâm của quán lẩu bò này.
HỆ LỤY TỪ RƯỢU GIẢ, ĐỘC HẠI
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do nạn nhân uống phải rượu giả, rượu chứa chất methanol độc hại. Theo số liệu từ Bệnh viện Lê Lợi – TP. Vũng Tàu, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 14 ca ngộ độc rượu được đưa vào cấp cứu tại đây. Trong đó, 2 ca ngộ độc rượu chứa methanol nặng nhất, nạn nhân tử vong sau 1-2 ngày nhập viện, đó là bà D.T.U. (60 tuổi, ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu) nhập viện ngày 16-3 và ông L.H.P. (49 tuổi, ngụ phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) nhập viện ngày 24-3.
Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Lê Lợi cho biết, theo người nhà của 2 bệnh nhân trên, mỗi ngày họ đều có uống rượu và trước khi nhập viện cũng có uống rượu mua ở cửa hàng tạp hóa, rồi lên cơn co giật, sùi bọt mép. Khi đưa vào cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng choáng nặng, mạch không đo được kèm theo nôn ói; xét nghiệm thì máu bệnh nhân nhiễm toan (hay nhiễm độc axít) gây suy gan, thận và tổn thương cơ. “Rượu chứa methanol nguy hiểm ở chỗ không nhất thiết cứ uống nhiều là bị ngộ độc, mà uống ít vẫn bị vì nó tích tụ kéo dài nhiều ngày. Khi phát hiện tình trạng ngộ độc nếu nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa, co giật, rối loạn tâm thần; còn nặng sẽ dẫn đến máu nhiễm toan, tổn thương đa cơ quan, suy gan, thận”, bác sĩ Nga cảnh báo.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người thường xuyên uống rượu sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe; uống nhiều rượu, hay trong thời gian dài thì gây tổn thương nặng cho cơ thể. Do vậy, “hãy sử dụng rượu có kiểm soát”. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng rượu, cần phải cẩn trọng khi lựa chọn mua các loại rượu, dù đó là rượu ngoại nhập khẩu, hay rượu tự nấu, tự pha chế, tự ngâm theo kinh nghiệm dân gian để không bị “rước họa vào thân”!.
- Rèn đạo đức cách mạng bằng nêu gương (09/09/2019)
- Nhân tố mới trong sản xuất rau an toàn (27/08/2019)
- Hội đồng nhân dân xã tổ chức kỳ họp thứ 9 khóa III - nhiệm kỳ 2016-2021 (01/08/2019)
- TX.Phú Mỹ: Cần tăng cường quản lý đất đai, khoáng sản (03/07/2019)
- Phát hiện 7 phương tiện vi phạm hành lang an toàn đường ống khí (16/05/2019)
- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025 (10/12/2018)
- Tiếp xúc cử tri tri trước kỳ họp HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và HĐND thị xã Phú Mỹ. (09/11/2018)
- Kỳ họp thứ 6, HĐND TX.Phú Mỹ khóa IV: Miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND thị xã (29/05/2018)
- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương (24/05/2018)
- Cảnh giác trước việc thương lái thu mua rễ tiêu (24/05/2018)