Tăng cường kỷ cương, kỷ luật
12/05/2017

Hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) Ban Chấp  hành Trung ương Đảng đã xem xét, nhất trí cao, quyết định ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề quan trọng về kinh tế: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Bộ ba” các Nghị quyết này liên kết chặt chẽ với nhau, là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát triển KT-XH, chống tụt hậu kinh tế. Đây cũng là sự  thể hiện cao quyết tâm chính trị của Đảng trong việc chuyển đổi DN nhà nước thành cơ cấu sở hữu hỗn hợp và đưa kinh tế tư nhân phát triển ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Kinh tế tư nhân giàu mạnh thì dân mới no ấm, đất nước mới hưng thịnh. Điều này đã là một quy luật tất yếu.

Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị  Trung ương  5, sau khi  xem xét kỹ, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương  đã nhất trí quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ chí Minh bằng hình thức cảnh cáo, cho thôi  Ủy viên Bộ Chính trị, do vi phạm rất nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý, trong công tác cán bộ thời kỳ  ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Ông Đinh La Thăng được phân công nhiệm vụ mới, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Toàn Đảng, toàn dân và xã hội, trong đó có cộng đồng DN, hộ kinh doanh, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế chào đón các Nghị quyết chuyên đề về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) với tinh thần mới, khí thế mới, kỳ vọng về sự phát triển của nền kinh tế nước ta, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thời kỳ hội Nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Dư luận xã hội, nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân và học giả đã  bàn luận, trao đổi nhất trí cao với Nghị quyết của Đảng, tăng cường giám sát, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường kỷ cương và kỷ luật xã hội. Đây là gải pháp cần thiết, điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhằm  phòng chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để  khắc phục tình trạng chây ỳ, “không nhúc nhích”, lười biếng, tùy tiện, vô cảm, vô kỷ luật, trên nói dưới không nghe, nói một đường làm một nẻo trong hành xử công việc của không ít cán bộ, công chức, người lao động.

Xem xét những mặt còn yếu kém của các DN nhà nước thời gian qua càng thấy bộc lộ rõ  tính kỷ luật non kém, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý DN nhà nước, bất chấp luật lệ và sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nhắc nhở của các  cơ quan quản lý nhà nước đã móc ngoặc với một số cán bộ biến chất  trong khu vực nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để phục vụ cho “nhóm lợi ích”, “sân sau”, thao túng DN nhà nước, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại lợi ích của đất nước và xã hội. Ngày 17-5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, gặp gỡ khoảng 2.000 doanh nhân cả nước, tiếp tục bàn việc “cởi trói” cho DN, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Một trong những thông điệp  cốt lõi mà người đứng đầu chính phủ đưa ra kỳ này là tăng cường kỷ cương phép nước, tăng cường kỷ luật của công chức, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, thực sự đồng hành, phục vụ, thực sự liêm chính, “tay trong tay” cùng đội ngũ các doanh nhân con Lạc cháu Hồng xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Bàn về tính kỷ luật – kỷ cương còn yếu kém thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống KT-XH, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nhắc đến căn bệnh “thói quen phường hội”. Tồn tại nào quyết định ý thức ấy. Việt Nam xuất phát và đi lên từ một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu và manh mún lâu đời. Số đông cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều xuất phát từ nông thôn - từ cái nôi nông nghiệp “lũy tre làng”. Tư tưởng, tư duy, hành vi, thói quen đều chịu ảnh hưởng, tác động, tiêm nhiễm kiểu “phường hội”, theo đó ý thức tổ chức kỷ luật thường yếu kém, mang nặng cách nghĩ cách làm tự do, tùy tiện, ít chịu ràng buộc vào khuôn phép. Kỷ luật yếu kém thể hiện ngay cả trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, trường học, DN. Biết để sửa, để khắc phục, để thấy quá trình xây dựng, tạo thành nếp sống kỷ cương, kỷ luật xã hội phải làm khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, bằng những biện pháp mạnh, không nhân nhượng, nhưng không thể một sớm một chiều.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện xã hội pháp quyền, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật  đã và đang là yêu cầu  tối thượng của hết thảy mọi thành viên trong xã hội, hoàn toàn không có vùng cấm. Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng có khuyết điểm rất nghiêm trọng, đương nhiên phải chấp nhận kỷ luật, phải rút khỏi trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị,  theo quy định của Điều lệ Đảng. Cùng thời điểm này, một số cán bộ cao cấp  hàm bộ trưởng, thứ trưởng do vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng cũng đã phải chịu các hình thức kỷ luật tương ứng trước Đảng, trước dân. Đảng và nhà nước pháp quyền  đưa ra thông điệp: Kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bộ máy Nhà nước, xã hội phải nghiêm minh, minh bạch  và  công bằng. Chừng nào chưa thực hiện được điều đó, thả nổi những hoạt động xã hội tùy hứng, ngoài khuôn phép, kỷ luật không nghiêm, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế chịu tác động tiêu cực không nhỏ.

Pháp luật về kinh tế cần phải được hoàn thiện nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Trên một ý nghĩa nào đó, để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) thành công, đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần phải  tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội.


Số lượt đọc: 253 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác