Cảnh giác trước việc thương lái thu mua rễ tiêu
24/05/2018

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu. Do giá tiêu đang ở mức thấp, cơ quan quản lý lo ngại nông dân chặt bỏ ồ ạt để lấy rễ bán.  

Ông Nguyễn Văn Hoành (ấp Bình Thuận, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) đang trồng 1,5ha tiêu. Gần đây, 2 sào tiêu của ông đã chết do bệnh chết nhanh chết chậm. Thông thường khi tiêu chết, nông dân nhổ bỏ, thu gom để đốt nhằm mục đích tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do có thương lái thu mua rễ tiêu nên người dân không còn đốt bỏ như trước. Ông Hoành cho biết: “Mỗi trụ tiêu thường có rễ nặng khoảng 0,5kg. Với gần 300 trăm trụ tiêu chết, tôi bán cho thương lái với giá khoảng 40 ngàn đồng/kg cũng thu được gần 4 triệu đồng. Thay vì đốt bỏ như trước, giờ bán cho thương lái cũng có thêm ít tiền”.

Trao đổi với PV Báo BR-VT, ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Châu Đức xác nhận trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng thương lái thu mua rễ hồ tiêu. Qua theo dõi, chính quyền xã nắm được thương lái thu mua rễ tiêu là người dân sống tại địa phương. Người này thu mua rễ tiêu khô với giá khoảng 40-50 ngàn đồng/kg rồi vận chuyển đến Đồng Nai tiêu thụ. Ông Đức cho biết: “Dù việc thu mua rễ tiêu chưa xác định được mục đích rõ ràng, nhưng do không có quy định cấm thu mua nên chính quyền xã chỉ có thể khuyến cáo nông dân không bán rễ tiêu. UBND xã cũng chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi, nắm tình hình và vận động thương lái không thu mua rễ tiêu. Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường lực lượng tuần tra, nhất là vào ban đêm để ngăn chặn việc đào trộm rễ tiêu, bảo vệ tài sản cho người dân”.

Tại huyện Xuyên Mộc, thương lái thu mua rễ tiêu cũng đã xuất hiện. Ông Bùi Đức Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, 2 tuần trở lại đây, một số thương lái cũng đã hỏi mua rễ tiêu trên địa bàn xã. “Hiện nay, bà con chủ yếu vẫn đào, nhổ rễ của các trụ tiêu chết để bán cho thương lái. Tuy nhiên, do giá hạt tiêu hiện đang ở mức thấp, chưa đến 60 ngàn đồng/kg nên không loại trừ khả năng bà con có thể đào rễ tiêu sống để bán. Do đó, chính quyền xã đang tích cực tuyên truyền cho người dân không bán rễ tiêu và theo dõi các đối tượng thu mua rễ tiêu để có biện pháp xử lý phù hợp”.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, địa phương có diện tích tiêu lớn nhất trong tỉnh, việc thu mua rễ tiêu tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước hết, do phần lớn tiêu chết thường do dịch bệnh nên nếu không được xử lý phòng dịch, rễ tiêu sẽ mang theo mầm bệnh và có thể lây lan trên diện rộng. Hiện nay, giá tiêu đang ở mức thấp, nên việc thu mua rễ tiêu có thể dẫn đến việc nông dân phá bỏ vườn tiêu ồ ạt để lấy rễ bán, về lâu dài gây thiệt hại đến sản xuất. Ông Liêm cũng khuyến cáo, do chưa xác định rõ ràng mục đích của việc thu mua rễ tiêu nên không loại trừ khả năng rễ tiêu được sử dụng vào các mục đích xấu như xay trộn với tiêu gia vị, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm cảnh báo nông dân trước tình trạng thương lái thu mua rễ tiêu, Sở NN-TPNT đã có Thông báo số 82/ TB-SNN đến UBND các huyện, thành phố đề nghị các địa phương vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu phát hiện có cá nhân, đơn vị mua gốc, rễ tiêu cần báo ngay cho chính quyền địa phương để theo dõi, làm rõ mục đích thu mua để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đồng thời, thông báo rộng rãi để khuyến cáo người dân không chặt gốc rễ tiêu để bán. Đối với cây hồ tiêu già cỗi, bệnh nặng, chết cần hướng dẫn nông dân tự xử lý bằng cách thu gom, tập trung đem đốt để hạn chế lây lan dịch bệnh.

 


Số lượt đọc: 822 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác