Số lượt truy cập: 3224788
Đang online: 291
Sự cố ô nhiễm dầu sẽ được xử
lý một cách nhanh chóng, kịp thời thông qua vật liệu xốp từ giấy tái chế do
nhóm sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nghiên cứu, chế tạo ra.
Hiện nay, ô nhiễm dầu đang là một trong những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm khi gây ảnh hưởng nặng nề cho môi trường biển và các hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các màng dầu sẽ làm giảm khả năng trao đổi ôxy giữa không khí và nước, khiến cán cân điều hòa oxy trong hệ sinh thái bị đảo lộn, phá hủy cấu trúc tế bào sinh vật, có khi gây chết cả quần thể sống xung quanh.
Điều đáng báo động nữa là dầu lan trên biển và dạt vào bờ trong thời gian dài không được thu gom sẽ làm suy giảm lượng cá thể sinh vật, gây thiệt hại cho ngành khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Dầu gây ô nhiễm môi trường nước làm cá chết hàng loạt do thiếu ôxy hòa tan. Dầu bám vào đất, kè đá, các bờ đảo làm mất mỹ quan, gây mùi khó chịu đẫn đến doanh thu của ngành du lịch cũng bị thiệt hại nặng nề. Nạn tràn dầu còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển. Do dầu trôi nổi làm hỏng máy móc, thiết bị khai thác tài nguyên và vận chuyển đường thủy.
Theo thống kê, từ năm 1989 đến nay, vùng biển Việt Nam đã xảy ra hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, mỗi vụ đổ ra biển hàng chục đến hàng trăm tấn dầu. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm hấp thụ để giải quyết việc thu gom dầu loang đang gặp rất nhiều khó khăn do phải nhập từ nước ngoài về với chi phí khá cao.
Đứng trước thực trạng này, một nhóm sinh viên đến từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm “vật liệu xốp từ giấy tái chế ứng dụng trong xử lý ô nhiễm dầu”.
Bạn Ngô Thị Thu Thảo, thành viên nhóm cho biết, nguyên liệu chính để chế tạo lên miếng xốp này chủ yếu là Xenlulozo, NaOH, Ure và nước. Những nguyên liệu rất dễ tìm kiếm trên thị trường.
Để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh, ban đầu, sợi giấy thông thường sẽ được phối trộn theo tỷ lệ phù hợp với NaOH và Urê, cho thêm nước và bỏ vào máy xay xay nhỏ. Ở công đoạn tiếp theo, hỗn hợp nói trên được mang đi đồng hóa để làm mịn thêm sợi Xenlulozo, giúp liên kết của hỗn hợp này trở nên vững chắc hơn. Tiếp đến, hỗn hợp sẽ được làm đông ở nhiệt độ dưới 18 độ C trong vòng 24 tiếng. Sau đó là rã đông ở nhiệt độ thường và ngâm với Ethanol có độ tinh khiết lớn hơn 99,7%.
“Quá trình ngâm này nhằm mục đích là rửa sạch lượng Ure còn thừa trong mẫu. Sau khi lượng Ure được rửa sạch, bọn em sẽ tiến hành ngâm vật liệu đó vào trong nước để thay thế những liên kết mà Ethanol đã ngấm vào trong vật liệu ra ngoài. Sau khi ngâm nước xong, đạt được độ ổn định thì sẽ tiến hành sấy ở nhiệt độ 40 độ C trong vòng 24 tiếng để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh”, bạn Thân Thị Mai, thành viên nhóm cho biết.
Nhóm sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với sản phẩm “vật liệu xốp từ giấy tái chế ứng dụng trong xử lý ô nhiễm dầu”.
Khi sử dụng, chỉ cần bỏ tấm vật liệu xốp này lên trên mặt nước có dầu, chỉ trong vài phút là những tấm này sẽ tự động hút dầu và trả lại môi trường nước như bình thường. Do được cấu tạo với những lỗ hổng xenlulozo, vật liệu này có khả năng hấp thụ dầu khá cao, có thể lên tới 17 lần khối lượng của nó.
Ngoài ra, sản phẩm còn được bổ sung tính kỵ nước, đảm bảo cho việc hút dầu được nhanh chóng, dễ dàng và an toàn, thân thiện với môi trường. Sau khi hấp thụ no dầu, chúng ta có thể tái sử dụng sản phẩm một cách dễ dàng thông qua việc ép dầu đã hút ra khỏi miếng vật liệu.
Đặc biệt, với thành phần chính là giấy tái chế, sản phẩm có giá thành tương đối rẻ, phù hợp với quy mô phòng thí nghiệm và điều kiện kinh tế Việt Nam.
Theo TS.Phạm Hải Định, Trưởng phòng quản lý sau ĐH, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, vật liệu xốp từ lâu đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, ứng dụng sản phẩm vào việc sử lý sự cố dầu loang vẫn còn khá mới mẻ. Nếu được mở rộng ra quy mô công nghiệp, sản phẩm này có thể giải quyết được nỗi lo trong những sự cố môi trường về ô nhiễm dầu đang xảy ra hết sức thường xuyên trong thời đại công nghiệp ngày nay.