Trồng 2 sào “rau Hoàng Đế” thu về tiền triệu mỗi ngày
27/06/2018

Chỉ với 2 sào măng tây xanh, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Tưởng trú tại khu 3, xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) có thể thu về cả triệu đồng. Không những thế, phương thức trồng, chăm sóc, thu hoạch cây măng tây xanh của anh Tưởng cũng vô cùng độc đáo, đem lại hiệu quả cao

Đứng giữa khu ruộng 2 sào măng tây xanh ngắt với những đọt măng nhú lên mơn mởn, to tròn, anh Nguyễn Văn Tưởng hào hứng kể về cái duyên đến với loại cây này.

Là người tiên phong đưa "rau Hoàng Đế"-măng tây xanh về Đoan Hạ trồng, anh Tưởng gặp không ít những khó khăn.

Sinh ra ở làng quê Đoan Hạ, quanh năm cứ quẩn quanh với ít rau màu, ngô, khoai, vất vả nhưng thu lợi chẳng đáng là bao. Với người có ý chí làm giàu, thích thử sức như anh nên không chịu ngồi im, cố tìm tòi ra giống cây nào đó đặc biệt nhưng phải đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây, tôi bị ấn tượng mạnh bởi cái tên măng tây xanh, một loại rau được mệnh danh “rau Hoàng Đế”. Bị ấn tượng mạnh về tên gọi, cũng như hiệu quả kinh tế mà “rau Hoàng Đế” đem lại, tôi đã bị cuốn hút thực sự, suốt ngày cứ quanh quẩn trên mạng, tìm mua sách, tài liệu về cách trồng, chăm sóc cây này”, anh Tưởng cho biết.

Cũng theo anh Tưởng, sau một thời gian nghiên cứu, thấy loại đất của quê mình khá thích hợp để trồng “rau Hoàng Đế”, năm 2017, anh đã mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng để mua 3.000 hạt giống và hệ thống tưới tiêu.

Số vốn anh Tưởng bỏ ra ban đầu là 40 triệu đồng

Dù đã tìm hiểu kỹ lưỡng về kỹ thuật chăm sóc “rau Hoàng Đế”, nhưng những ngày đầu, anh Tưởng cũng gặp không ít khó khăn khi mua giống giá cao, lựa chọn giống chưa chuẩn, kỹ thuật còn kém, không làm chủ được thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm nên “rau Hoàng Đế” hay bị mắc bệnh khô vằn, nấm… khiến cây bị héo, nhũn đầu măng, thậm chí là chết cây.

Sau những thất bại ban đầu, anh Tưởng cố gắng nghiên cứu thêm tài liệu, cũng như ghi chép đầy đủ tài liệu qua kinh nghiệm thực tế để rút ra bài học cho riêng mình khi trồng, chăm sóc măng tây xanh. Từ những kinh nghiệm  trồng măng tây xanh tích lũy được sau thời gian miệt mài nghiên cứu một cách nghiêm túc, cuối cùng những chồi măng to, ngọt cũng “bứt đất”, vươn mình nảy nở và đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Tưởng.

Nhờ nghiên cứu kỹ thuật một cách tỉ mỉ, nghiêm túc, "rau Hoàng Đế" đã không phụ công anh Tưởng.

“Với 2 sào trồng “rau Hoàng Đế”, mỗi ngày tôi có thể thu hoạch được từ 8 – 10 kg măng, với giá hiện nay, mỗi ngày tôi thu về từ vài trăm đến cả hơn 1 triệu đồng”, anh Tưởng vui vẻ khoe.

Theo anh Tưởng, trồng măng tây cần kỹ thuật cao hơn rau, từ lúc nào đất, bón phân, đóng bầu, làm hạt giống, cho đến khi ra luống trồng. Khi chăm sóc cần tạo luống cao 20 – 30cm để cây tránh bị ngập úng. Mỗi tháng 2 lần bón phân hữu cơ và hàng ngày tưới nước tạo độ ẩm cho cây phát triển.

 “Sau khi ươm giống khoảng 3 tháng thì mang ra vườn trồng, trước khi trồng phải lên luống 30cm, bón  lót bằng phân chuồng mục, hàng cách hàng 70 – 80cm, mỗi sào trồng từ 550 – 600 gốc như vậy cây mới phát triển tốt. Về sâu bệnh, tôi tiến hành bắt vào ban đêm, chế thuốc sinh học từ việc ngâm ớt, tỏi, gừng, rượu làm thuốc trừ sâu, vừa hiệu quả lại vừa không độc hại cho người dùng. Do đặc tính, sâu thường nằm dưới đất, phun thuốc hóa học sẽ không hiệu quả, không những thế còn gây hại cho cây và phải mất 7 – 10 ngày không được thu hoạch nên gây thất thu”, anh Tưởng chia sẻ.

Vừa nhặt cỏ, bứt cành, anh Tưởng vừa cho biết, sau khi trồng được khoảng 3 tháng, cây sẽ bắt đầu phát triển những thân mới, lúc này mọi người nên tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, tiểu lá… chỉ bớt lại 6 – 7 cây trên 1 bụi. Tiếp đến mọi người nên dùng cước nilong tạo thành hàng ngang theo luống để cây bám, tránh bị đổ cây.

Ngoài làm giàu cho bản thân, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những người dân ở địa phương nhân rộng mô hình trồng "rau Hoàng Đế".

Là người tiên phong đưa “rau Hoàng Đế” về xã Đoan Hạ trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại rau màu, ngô và các cây truyền thống khác, mô hình của anh Tưởng nhanh chóng được người dân “cắp sách” đến học tập. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của anh Tưởng, hiện nay tại Đoan Hạ đã có hàng chục hộ gia đình học theo, khiến chính quyền địa phương hết sức quan tâm, định hướng nhân rộng mô hình, biến cây măng tay xanh là cây chủ lực của xã, tiến tới là xây dựng thương hiệu “măng tây Đoan Hạ”.


Số lượt đọc: 1152 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác