BÁO CÁO THAM LUẬN
“Nhân rộng mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ”
Kính thưa quý đại biểu, kính thưa toàn thể hội nghị!
Được sự cho phép của ban tổ chức hội nghị. Thay mặt UBND xã An Nhứt tôi xin phát biểu tham luận về công tác quản lý trạm KHCN và sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và định hướng hoạt động của trạm KHCN phục vụ phát triển KT-VH-XH của địa phương. Trước hết tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh và toàn thể hội nghị lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.
Kính thưa hội nghị !
An Nhứt là một xã nông nghiệp được tách ra từ xã Tam An với tổng diện tích tự nhiên 594,45 ha, trong đó 494,84 ha là đất nông nghiệp. Dân số toàn xã hiện có 4.239 nhân khẩu/1.023 hộ dân, được chia thành 4 ấp, và có 28 tổ dân cư. Nhân dân trong xã chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất lúa nước, một số hộ chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm dịch vụ kinh doanh, và các ngành nghề truyền thống như: Làm bánh tráng, bún, bánh hỏi, đúc chuông…
Xã nông nghiệp An Nhứt là vùng cung cấp lương thực của huyện Long Điền. Trong thời gian qua, mặc dù bộ mặt nông thôn xã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng nông thôn được chỉnh trang, đời sống người dân được cải thiện. Song bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như sản xuất nông nghiệp của xã vẫn là độc canh cây lúa, trình độ dân trí một số bộ phận bà con nông dân còn thấp nên chưa phát huy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả, chất lượng cuộc sống chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển. Chính vì thế mà điều kiện được tiếp xúc với CNTT của đa số các người dân trong địa phương còn hạn chế. Hiện nay xã An Nhứt đang thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đây là nền tảng để đẩy mạnh cơ sở hạ tầng phát triển bền vững, từ đó chuyển biến được các thế mạnh về nông nghiệp trong sản xuất, thu mua vận chuyển, nguồn vốn, thu nhập, năng suất và các khoa học kỹ thuật hiện đại được áp dụng trong nông nghiệp ở địa phương.
Kết quả triển khai thực hiện trạm khoa học công nghệ xã An Nhứt:
Việc triển khai nhân rộng mô hình thông tin điện tử khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn tỉnh BR-VT nói chung, địa phương An Nhứt nói riêng là hết sức cần thiết, nhằm phục vụ nông nghiệp nông thôn của bà con nông dân vùng nông nghiệp.
Trên cơ sở đó thì được sự quan tâm của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, các phòng chuyên môn của sở, Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN, lãnh đạo UBND huyện Long Điền đã tạo điều kiện, hỗ trợ các trang thiết bị, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn và đào tạo các khóa ngắn hạn cho cán bộ phụ trách để phục vụ trạm, phục vụ các tầng lớp nhân dân trong xã có nhu cầu xem, tra cứu thông tin điện tử KHCN theo nhu cầu.
Từ tháng 7/2011 trạm KHCN của Xã An Nhứt đi vào hoạt động với nhiều nội dung thiết thực đa dạng phong phú, nhiều bà con nông dân, cán bộ hưởng ứng nhiệt tình, rất phấn khởi, bước đầu có kết quả khả quan.
Trạm KHCN xã được đặt trong trụ sở UBND xã dưới sự quản lý của cán bộ công chức xã, UBND xã đã ra quyết định thành lập ban biện tập: đ/c Võ Thành Phúc - phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban biên tập; đ/c Huỳnh Vĩnh Phát - cán bộ trạm là Thư ký ban biên tập; đ/c Dương Thị Thu Vân - cán bộ trạm là thành viên, đ/c Nguyễn Thị Mỹ Chi - công chức Văn hóa – xã hội, là thành viên.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của ứng dụng Khoa học kỹ thuật, CNTT đến bà con nông dân cũng như từ những thực trạng khách quan của ngành nông nghiệp chuyên về trồng lúa và đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh cũng như của huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin nông nghiệp, các dịch vụ tiểu thủ công nghiệp và các mô hình kinh tế mới, từ đó áp dụng các tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương vào sản xuất. Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Sở KHCN, sự quan tâm của Lãnh đạo Huyện, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã từ đó đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền và triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT đến bà con nông dân trên địa bàn xã, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền vận động.
Gần một năm qua Trạm KHCN xã An Nhứt đã đi vào hoạt động và đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ, như sau:
- Tuyên truyền tới người dân về trạm (phát thanh, họp phổ biến, tập huấn, tờ rơi,…):
+ Phát thanh: 50 lần;
+ Tập huấn: Trạm KHCN xã phối hợp với Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN, Sở KHCN tổ chức 01 lớp giới thiệu về trạm thông tin điện tử KHCN và hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin trên thư viện điện tử trạm KHCN của xã.
- Cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo:
+ Người dân: 20 tin
+ Doanh nghiệp: 10 tin
+ Lãnh đạo: 12 tin
- Phục vụ người dân đến truy cập, tìm thông tin từ Internet, từ thư viện điện tử tại trạm: 16 lượt người, đã in để cung cấp tin: 50 trang. Số đĩa VCD/DVD đã sao chép để cấp cho dân: 02 đĩa.
- Thu thập, viết bài, biên tập tin và ảnh đưa lên trang web KH&CN của xã: 96 tin, bài ảnh (33 bài, tin. ảnh 60 ảnh).
- Một số mô hình do người dân, doanh nghiệp tại địa bàn đã thông qua khai thác thông tin KH&CN từ trạm, Internet, thư viện điện tử đã áp dụng thành công vào sản xuất, đời sống tăng hiệu quả kinh tế-nâng cao dân trí như là:
+ Hộ ông Nguyễn Minh Hiếu, ngụ ấp An Đồng; hộ ông Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp An Đồng và Hộ ông Huỳnh Trung Đông, ngụ ấp An trung- xã An Nhứt có mô hình trồng Hoa Phong lan. Hiện nay, qua quá trình sản xuất, kinh doanh, mô hình trồng hoa Lan của xã An Nhứt đã phát huy thế mạnh của vùng đất nông nghiệp, nông thôn này, cho thu nhập khá cao, góp phần làm thay đổi diện mạo của một xã nông nghiệp, nông thôn mới. Ngoài mô hình trồng hoa phong lan còn có mô hình trồng hoa xen ruộng lúa, để tiêu diệt sâu rầy có hiệu quả và đạt năng suất lúa khá cao cho bà con nông dân tại địa phương.
Nhìn chung qua một năm triển khai Trạm khoa học công nghệ xã cũng có những mặt thuận lợi, khó khăn như sau:
Thuận lợi
Luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Sở KHCN, Trung tâm KHCN tỉnh, Lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy, HĐND, UBND xã và có sự phối hợp của ban ngành, đoàn thể, 4 ban ấp, 28 tổ dân cư, sự đồng tình hưởng ứng của bà con nhân dân trong xã và sự tích cực, nhiệt tình của các thành viên trong ban biên tập trạm KHCN, cán bộ quản lý trạm KHCN đã tạo điều kiện cho trạm đi vào hoạt động một cách thiết thực, hiệu quả.
Khó khăn
Do trạm thông tin KHCN của xã mới đưa vào hoạt động nên cán bộ trạm chưa khai thác hết thông tin và công tác xử lý còn chậm. Hiện nay cán bộ trạm còn kiêm nhiệm nên chưa đủ thời gian tập trung cho công tác của trạm.
Kinh phí hỗ trợ cán bộ làm công tác tại trạm quá ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, từ đó cán bộ phụ trách trạm chưa thật sự nhiệt tình với công việc kiêm nhiệm.
Để tiếp tục hoạt động tốt hơn trong thời gian tới. UBND xã An Nhứt có một số kiến nghị và giải pháp như sau:
Phần kiến nghị:
Mở các lớp tập huấn cho cán bộ trạm để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn trong tác nghiệp.
Mở các lớp tập huấn khai thác thông tin KHCN, các chuyên đề KHCN cho bà con nông dân của xã.
Hỗ trợ hướng dẫn thêm về công tác, tác nghiệp, thu thập biên tập thông tin, và quản trị nội dung trên Website của xã.
Thường xuyên bảo trì, kiểm tra máy móc thiết bị trạm và nâng cấp, sửa chữa thiết bị khi có sự cố hư hỏng nặng.
Hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ làm công tác tại trạm, cũng như ban biên tập của trạm, khi giá cả thị trường tăng cao phải tính đến vấn đề trượt giá, để bù đắp kinh phí hỗ trợ đã tính trước đây.
Giải pháp thực hiện trong năm 2012:
Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo đối với trạm KHCN xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trạm.
Cần phải bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học và kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ trạm.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về tính năng hoạt động của trạm KHCN xã đến tầng lớp nhân dân trong xã được biết, hiểu rõ, từ đó phục vụ có hiệu quả hơn.
Thường xuyên tạo mối liên kết vững chắc giữa cán bộ, chính quyền và nhân dân nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin hai chiều và thông tin thiết thực cho bà con nông dân áp dụng tại địa phương một cách hiệu quả.
Tổ chức hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn cấp xã về ứng dụng CNTT đến từng hộ gia đình.
Tạo điều kiện, hướng dẫn tận tình cho bà con nông dân tiếp xúc với trạm thông tin KHCN để lấy thông tin hữu ích, cần thiết phục vụ trong sản xuất, kinh doanh và các mô hình hay, cũng như mô hình nông dân làm kinh tế giỏi để bà con học hỏi, áp dụng vào thực tiển.
Tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ cán bộ và trạm khoa học công nghệ xã. Báo cáo sơ kết, tổng kết trạm qua đó đánh giá tính hiệu quả, quá trình hoạt động phục vụ của trạm, từ đó rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
Cuối cùng xin thay mặt UBND xã An Nhứt kính chúc các Đ/c lãnh đạo tỉnh, và toàn thể hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thắng lợi mới, chúc buổi hội thảo khoa học thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng kính chào!