Tham dự hội thảo có Lãnh đạo sở Khoa học công nghệ tỉnh BRVT, Lãnh đạo các phòng ban Huyện, thị trấn, Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, Lãnh đạo chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cùng tất cả các cô chú trong Hợp Tác xã và tham dự hội thảo còn có đại diện 18 hộ nông dân tham gia mô hình.
Trong buổi hội thảo bà Trần Thị Hiến – Phó trưởng chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện “Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa”. Địa điểm triển khai mô hình tại cánh đồng Đội 3 HTX An Nhứt, thời gian triển khai: Vụ mùa 2011 và Đông xuân 2011-2012, với diện tích ứng dụng 10 ha, số nông nông dân tham gia mô hình 18 hộ. Biện pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình là trồng hoa trên bờ ruộng sử dụng những loại hoa có khả năng thích nghi cao, dẫn dụ thiên địch (hoa có màu, có mật, mùi, chịu sự dẫm đạp, chịu hạn, sức sống cao..).
Hoa được trồng trước khi gieo sạ lúa từ 10-20 ngày, nhằm đảm bảo khi lúa mọc là có thảm thực vật, hoa trên bờ ruộng tạo nơi cư trú, dẫn dụ thiên địch khống chế dịch hại bảo vệ cây lúa.
Với sự phối hợp và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi từ phía UBND xã An Nhứt và HTX nông nghiệp dịch vụ An Nhứt, đã tuyên truyền vận động nông dân tham gia tích cực trong các hoạt động của mô hình, đáng ghi nhận là tinh thần tham gia rất tích cực trong công tác trồng và chăm sóc hoa, áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, không phun thuốc bừa bãi.
Qua cho thấy khi ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng là 770.000 đồng/ha/vụ, chủ yếu do nông dân đã giảm chi phí sử dụng thuốc BVTV hơn so với đối chứng là 401.450 đồng/ha/vụ. Do mô hình đã áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hợp lý từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân…đặc biệt là trong khâu quản lý dịch hại mô hình đã sử dụng biện pháp trồng hoa trên bờ ruộng từ đó đã tạo được một hệ sinh thái ruộng lúa “khỏe mạnh” giúp dẫn dụ cũng như tạo nơi trú ẩn cho thiên địch phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, tạo sự cân bằng giữa thiên địch và dịch hại trong ruộng lúa, nên đã góp phần quan trọng để hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trên ruộng lúa.
Như vậy việc thực hiện trồng hoa trên bờ ruộng để phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đã khẳng định được hiệu quả cả về kinh tế (giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất lúa không giảm), môi trường (giảm sử dụng hóa chất độc hại, thu hút được các loại thiên địch có lợi) và nâng cao được chất lượng sản phẩm. Buổi hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp.