Nhiều năm qua, các loại vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu bò thường ở dạng keo phèn, miễn dịch ngắn hạn, từ 3 -6 tháng. Do vậy, nếu tiêm 2 lần mỗi năm, thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao, đặc biệt tại các thời điểm giao mùa. Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất ra một loại vắc xin mới, đó là vắc xin tụ huyết trùng trâu bò nhũ hóa.
Nông dân lo lắng với bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò
Có kinh nghiệm nuôi trâu thịt, trâu sinh sản hàng chục năm nay, ông Nguyễn Hữu Cần ở thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc biết rất rõ lợi ích của việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn trâu. Tuy nhiên dù tiêm đầy đủ và đúng quy định nhưng có nhiều năm, đàn trâu của ông vẫn bị chết do mắc căn bệnh tụ huyết trùng. Nguyên nhân mà ông Cần nhận định là do loại vắc xin tụ huyết trùng mà ông sử dụng có hiệu lực miễn dịch ngắn ngày nên hiệu quả phòng trị không được như ông mong muốn.
Ông Cần chia sẻ: “Con trâu bị tụ huyết trùng là nó có biểu hiện bỏ ăn và sốt sau 4 -5 tiếng co giật là chết. Mình có tiêm phòng nhưng người ta bảo được 3 tháng nhưng thực tình là chỉ khoảng 3 tháng là con trâu đã bị bệnh.” .
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 150 000 con trâu bò. Trong đó, một số lượng lớn được nông dân nuôi theo hình thức chăn thả tự do. Do vậy, việc tổ chức tiêm phòng tụ huyết trùng hàng năm cho đàn gia súc thường gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Trong khi những loại vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng trước đây hiệu lực miễn dịch không cao.
Bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Pasteurella gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm ở các vùng nóng ẩm. Tuy nhiên, bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, lúc thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng của trâu bò không cao.
Trâu bò mắc bệnh tụ huyết trùng chết rất nhanh nếu không được phát hiện và phòng trị kịp thời. Trong khi đó mỗi con trâu thịt có giá từ 20 triệu – 30 triệu đồng. Chỉ cần 1 con trâu bị dịch, người chăn nuôi có thể mất cả gia tài. Do vậy, có vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng có hiệu lực miễn dịch dài ngày, hiệu quả phòng bệnh cao luôn là điều mà người chăn nuôi quan tâm.
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Thú Y Quốc Gia đã tìm ra một phương pháp mới, có thể tối ưu hiệu quả của vắc xin trong phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu bò, đó là vắc xin nhũ hóa. Loại vắc xin này không chỉ kéo dài hiệu lực miễn dịch mà còn giảm liều lượng của mỗi mũi tiêm, chỉ bằng 1/10 so với trước.
Hiệu quả của vắc xin tụ huyết trùng trâu bò nhũ hóa
Những sản phẩm vắc xin đầu tiên có màu trắng sữa, đồng đều, không phân lớp đã được các cán bộ đưa về tận vùng sâu vùng xa khắp Bắc Trung Nam cho bà con áp dụng. Kết quả miễn dịch trong vòng 1 năm đều rất khả quan.
2 năm gần đây, đàn bò của bà Chu Thị Hiển, thị Trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đều được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng nhũ hóa do các nhà khoa học của Viện thú y chuyển giao. Theo lời bà, trước đây, 1 liều vac xin khoảng 20ml. Với liều lượng này, nhiều khi trâu bò bị sốc phản vệ. Tuy nhiên, với vắc xin nhũ hóa, liều lượng mỗi mũi tiêm chỉ bằng 1/10 so với liều tiêm trước nên khi chích kim và tiêm rất nhanh, ít gây sốc cho con vật nên bà Hiển rất an tâm.
Bà Hiển chia sẻ: “Nhà tôi chăn nuôi lâu rồi, trước đây thì cứ 2 lần phải lùa bò về tiêm rất mất công vào tháng 4 và tháng 11, 2 năm gần đây thì tiêm có 1 lần thôi. Tôi thấy rất tốt, con bò ăn uống khỏe mạnh bình thường, không có bệnh tật gì xảy ra cả.”
Việc tiêm phòng vắc xin 1 lần trong năm có thể giảm rất nhiều chi phí ngân sách của nhà nước cho việc cung ứng vắc xin, tuyên truyền vận động và tổ chức các đợt tiêm phòng trong nhân dân. Bài toán kinh tế của việc sử dụng vắc xin miễn dịch dài ngày có thể nhìn thấy rõ.
Ông Bùi Như Ý, PGĐ Sở NN & PTNT Vĩnh Phúc cho biết: “Với 2000đ/liều vắc xin thì giảm 1 nửa tức là 100 nghìn con là có thể bỏ ra 200 triệu, người dân không phải đóng góp hoặc ngân sách không phải bỏ ra, thứ 2 là hiệu quả miễn dịch tốt thì giảm được 10 – 15 % tỷ lệ gia súc bị bệnh tức là giảm cả tiền điều trị bệnh của người dân. Như vậy là với đàn 150 nghìn con của tỉnh thì 1 năm có thể đỡ được 1,5 tỷ đồng.”
Tuy nhiên theo khuyến cáo của các nhà khoa học, vắc xin nhũ hóa có những đặc điểm riêng nhất định nên khi tiêm phải chọn đúng vị trí tiêm nếu không có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn cho vật nuôi.
TS. Hoàng Văn Hoan, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng & Chuyển giao công nghệ thú y – Viện Thú y Quốc gia cho biết: “Khi công nghệ mới thì đi với kĩ thuật mới, vắc xin này phải tiêm đúng ở bắp mông hoặc bắp cổ. Trước đó với vắc xin nước hoặc keo phèn thì tiêm dưới da nhưng cái này phải tiêm bắp. Vì vậy, chuyển đến đâu chúng tôi phải hướng dân chặt chẽ kĩ thuật tiêm đến đó.”
Hiện tại 100% đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang được tiêm vắc xin tụ huyết trùng nhũ hóa. Đây là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng có hiệu quả vắc xin tụ huyết trùng nhũ hóa. Nhờ loại vắc xin này mà nhiều năm qua Vĩnh Phúc đã giảm hẳn tỉ lệ trâu bò mắc bệnh.
Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả của vắc xin mà vắc xin tụ huyết trùng nhũ hóa còn góp phần giảm chi phí cho người chăn nuôi. Công nghệ này giúp Việt Nam chủ động hơn một phần vắc xin trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu vắc xin trước mỗi mùa dịch.