Nanh chồn nổi tiếng là giống lúa cho cơm ngon ở miền Nam, được sử dụng trong các dịp lễ, tết và đãi khách. Đây là giống lúa đặc sản được trồng phổ biến ở các vùng trồng lúa tại các địa phương như: TP.Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ, từ những năm trước giải phóng. Tuy nhiên, hiện nay giống lúa Nanh chồn đã bị mai một và thoái hóa. Để khôi phục và phát triển giống lúa này, trong giai đoạn 2005-2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã hợp tác với Sở KH-CN thực hiện đề tài “Khôi phục và phát triển giống lúa đặc sản Nanh chồn tại tỉnh BR-VT”. Những người thực hiện đề tài đã thu thập được nguồn giống dự tuyển, chọn lọc phục hồi, sưu tập từ ngân hàng gen của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam có đặc tính phù hợp với mục tiêu chọn lọc của đề tài và đã chọn được 7 dòng giống thuần Nanh chồn 3, 5, 6, 7, 11 và 16, đã sản xuất được 200kg giống siêu nguyên chủng để lưu giữ. Đây là nguồn vật liệu để cho việc nghiên cứu tiếp theo “Tuyển chọn giống và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng lúa Nanh chồn” vào năm 2012-2014 nhằm chọn giống lúa Nanh chồn ưu tú nhất. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và đã xác định được dòng thuần Nanh chồn 2 với chất lượng tốt, mùi thơm đậm và thích nghi với điều kiện sinh thái huyện Đất Đỏ. Lúa Nanh chồn dạng hạt thon dài và có đuôi, kích thước hạt gạo nhỏ, tỷ lệ xay xát cao, cơm mềm và nở-xốp; mùi thơm ổn định.
Thạc sĩ Đào Minh Sô, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chủ nhiệm đề tài “Tuyển chọn và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng giống lúa Nanh chồn đặc sản của tỉnh BR-VT” cho biết, đã triển khai cho 9 hộ nông hộ tham gia sản xuất giống lúa Nanh chồn tại 3 điểm ở các xã Phước Hội, Láng Dài và Long Tân (huyện Đất Đỏ), trên diện tích 1,74ha. Các hộ nông dân tham gia mô hình trong đề tài được hỗ trợ về giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Người dân tự đầu tư 100% và tính toán đầu ra cho sản phẩm do thời gian sinh trưởng của lúa Nanh chồn dài và năng suất lại thấp so với lúa ngắn ngày. Kết quả thu hoạch giống lúa này đạt năng suất bình quân 3,5 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Do, ở xã Phước Hội, hộ dân được chọn trồng thí nghiệm giống lúa Nanh chồn cho biết, thời điểm gieo cấy lúa Nanh chồn từ nửa đến cuối tháng 8 dương lịch là thích hợp nhất về năng suất, chất lượng cũng như điều kiện chăm sóc thuận lợi cho việc bán sản phẩm do thu hoạch trước tết 3-4 tuần. Thời điểm gieo sạ thích hợp cho lúa Nanh chồn là trong tháng 8 với lượng hạt giống gieo hợp lý là 40kg/ha; Để duy trì chất lượng và giá trị kinh tế của lúa Nanh chồn, thời gian tồn trữ hợp lý không quá 7 tháng ở điều kiện nông hộ và không quá 9 tháng ở điều kiện 200C và với nhiệt độ 100C thì lúa Nanh chồn vẫn giữ được phẩm chất tốt sau 9 tháng thu hoạch. Mô hình lúa Nanh chồn làm tăng lợi nhuận 1,82 lần và giảm 28% chi phí sản xuất, trong đó chi phí vật tư giảm 44% so với trồng lúa ngắn ngày trong vụ Mùa.
Ông Huỳnh Công Mẫu, một nông dân trồng lúa Nanh chồn tại huyện Long Điền cho biết, bà con nông dân rất ủng hộ việc trồng giống lúa Nanh chồn đặc sản nhưng họ vẫn còn băn khoăn về đầu ra sản phẩm. Hiện người dân ưa thích gạo dẻo, thơm đã trở nên phổ biến, tỷ lệ người tiêu dùng thích đặc tính cơm khô, mềm và nở, xốp của nhóm giống lúa đặc sản Nam bộ ngày càng giảm. Vì vậy, việc phát triển giống lúa mùa đặc sản cổ truyền là quan trọng, nhưng cần kết hợp các giải pháp khả thi về chính sách với tiêu chuẩn chất lượng và thị trường phù hợp. Theo bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt tỉnh, đề tài đã chọn được giống Nanh chồn 2, xây dựng được quy trình sản xuất lúa Nanh chồn tại địa phương. Đây sẽ là kết quả quan trọng để địa phương nhân rộng trong sản xuất