Cùng với nguồn vốn xã hội hóa, Bạc Liêu cũng đã góp ngân sách
thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng 8 công trình xây trạm bơm điện cho các
cánh đồng mẫu lớn; xây dựng mới 35 trường học; nâng cấp sửa chữa 79 phòng học…
Hiện nay, tỉnh có một huyện cơ bản hoàn thành bộ tiêu chí về xây
dựng nông thôn mới là huyện Phước Long; 50/50 xã đã hoàn thành quy hoạch xây
dựng nông thôn mới đúng lộ trình.
Với việc đẩy mạnh phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới,
Bạc Liêu phấn đấu đến hết năm 2015 có 10 xã đạt 19 tiêu chí, 7 xã đạt từ 12-15
tiêu chí, 20 xã đạt từ 9-11 tiêu chí và 13 xã đạt từ 8-10 tiêu chí.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu, địa
phương này cần huy động hơn 8.000 tỷ đồng cho nhu cầu vốn phục vụ chương trình
mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2015.
Trong đó, vốn Trung ương hơn 1.387 tỷ đồng, vốn địa phương
313,94 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 495 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn huy động từ
các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là huy động vốn trong dân hơn
3.370 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong tiến trình thực hiện, các huyện vẫn còn gặp một
số khó khăn nhất định về nguồn vốn đầu tư, cơ chế, chính sách… rất cần được sự
hỗ trợ kịp thời của tỉnh và Trung ương. Hiện nay vấn đề cần tháo gỡ là việc huy
động nguồn lực từ doanh nghiệp cho chương trình xây dựng nông thôn mới chưa
nhiều.
Trong lúc nông dân đóng góp gần 4.000 tỷ đồng cho các công trình
chung và phát triển sản xuất, còn vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực
này chỉ chiếm hơn 900 tỷ đồng. Con số khiêm tốn trên cho thấy, ở nông thôn đang
thiếu vắng vai trò của doanh nghiệp và nguồn lực quan trọng này vẫn chưa được
phát huy đúng mức.
Ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất
hiệu quả, doanh nghiệp còn là khâu quan trọng trong quản lý, phân phối, tiếp
thị và nâng cao giá trị nông sản. Thiếu đầu tư của doanh nghiệp, nông dân không
chỉ đối mặt với khó khăn về đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm, mà còn bị ảnh hưởng
đến quy trình sản xuất và cả khâu cuối cùng (thu hoạch).
Ngoài ra, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ cũng là lực
cản, làm các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp – nông
thôn… Đây là những vấn đề tỉnh đã nhận ra và sẽ có giải pháp khắc phục có hiệu
quả trong thời gian tới.