Trong phiên thảo luận sáng nay (2/11), các đại biểu Quốc hội
(ĐBQH) đều ghi nhận những chuyển biến rõ nét, bền vững trong thực hiện các mục
tiêu kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015.
Theo đó, năm 2015 và 5 năm qua, đời sống của đại đa số người dân
được nâng cao một cách đáng kể. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn kế
hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực rất khó khăn, đặc biệt là khi
các đầu tàu tăng trưởng của thế giới đều tăng trưởng chậm, thấp hơn dự đoán.
Các ĐBQH cho rằng sự phát triển ổn định của Việt Nam càng trở
nên ý nghĩa trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.
“Phân tích như vậy để thấy những kết quả đã đạt được là rất đáng
kể, vừa ổn định được vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, trong khi quốc phòng, an ninh
được giữ vững, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao”, đại biểu
Nguyễn Tấn Tuân (Bà Rịa – Vũng Tàu) nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thì cho rằng cần phải phân tích
kỹ hơn những nguyên nhân của kết quả nổi bật nêu trên cũng như nguyên nhân của
hạn chế, yếu kém, để từ đó nêu được những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo
điều hành.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trước hết, thành công có được là
do phát huy tốt đoàn kết của toàn dân tộc. Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến đó
là tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Quốc hội, các ĐBQH trong xây
dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản
xuất kinh doanh.
Về những nguyên nhân cản trở phát triển, các ĐBQH cho rằng
nguyên nhân đầu tiên chính là từ con người. Cụ thể, tổ chức bộ máy còn cồng
kềnh, chức năng chồng chéo, thiếu cụ thể, cùng với đó thủ tục còn phiền hà, kỷ
cương, kỷ luật còn lỏng lẻo.
“Hạn chế này đã tồn tại từ lâu, song chưa khắc phục được. Trong
năm 2016 và những năm tiếp theo, cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy cần phải
được coi như nhiệm vụ hàng đầu”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
“Nếu không có các giải pháp mang tính đột phá, thì mục tiêu tinh
giản bộ máy chắc chắn không thể thực hiện được vì với các giải pháp hiện nay sẽ
không biết tinh giản ai”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phân tích.
Cũng về yếu tố con người, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho
rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội
cho Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển những cơ hội này thành các hợp đồng hợp tác
cụ thể, mang lại lợi ích cụ thể thì cần có “con người hội nhập”.
“Muốn thành công trong TPP, giải pháp đột phá nhất là đầu tư cho
con người” đại biểu nói. Từ đó, đại biểu tán thành với giải pháp đã được Chính
phủ nêu trong kế hoạch 2016 là loại bỏ những cán bộ, công chức nhũng nhiễu ra
khỏi bộ máy.
Trước đó, theo Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng trình bày tại Quốc hội trong phiên khai mạc, tăng trưởng GDP năm 2015 ước
đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%).
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt
khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.
Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối
của kế hoạch 5 năm, trong đó năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế
biến, chế tạo tăng 10,6%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị
sản xuất tăng 3,85%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng
13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng
8,7%, cao nhất kể từ năm 2011…
Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công
nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỉ
trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%.
Trong 14 chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu
đạt và vượt kế hoạch.
Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế – xã hội năm 2015 và 5 năm
2011 – 2015 đều đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, lạm
phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế
cơ bản được bảo đảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011
xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.
Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư
nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước
được cải thiện. Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn
định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng
tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản
phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm
từ 10,2% kim ngạch xuất khẩu năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh
toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ
trước đến nay.
Quản lý ngân sách nhà nước được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm
mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5
năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Bội chi bình quân khoảng 5%
GDP/năm; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ
nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định…
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục
hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên.
Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua,
vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm.
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt
khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá
là trên 5.600 USD).
Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công
nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỉ
trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%.
Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân
28,94%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Vốn đầu tư được sử dụng
hiệu quả hơn…
Đặc biệt, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt
kết quả tích cực; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Về Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng
thương mại, Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến tháng 9 năm 2015, nợ xấu còn
2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an
toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn
định kinh tế vĩ mô.