Năm 1989
sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Vũ quyết tâm mở một lớp dạy cầu lông miễn
phí tại nhà cho thỏa niềm đam mê, đồng thời giúp cho con em các gia đình trong
làng có một sân chơi lành mạnh, kết hợp rèn luyện sức khỏe. Trong những năm đầu tiên, ông Vũ và các học trò gặp rất
nhiều khó khăn về phương pháp tập luyện, trang thiết bị, cơ sở vật chất vì lúc
bấy giờ cầu lông còn là một môn thể thao còn mới lạ ở miền Bắc. Ông phải
tự tay san vườn, lát gạch cho các cháu có sân tập. Để quá trình huấn luyện được bài bản và nâng cao hiệu
quả, ông còn tự tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu cầu lông chính thống của
Indonesia, Malaysia, Trung Quốc... Với sự đam mê và cố gắng hết
mình, ông dần hình thành được một CLB cầu lông có quy củ, nề nếp, thu hút đông
đảo trẻ em trong vùng đến theo học. Từ đó, ông đặt mục tiêu đào tạo được nhiều
vận động viên năng khiếu có thể thi đấu chuyên nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở
mức độ chơi phong trào. Dù gặp
phải nhiều khó khăn, suốt 20 năm qua bằng tình yêu của cả thầy lẫn trò,
"lò" cầu lông thôn Cầu Chính vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.
Trái ngọt đầu tiên mà ông Vũ thu hái được là tấm HC đồng
giải thiếu niên nhi đồng toàn quốc 1998 của cô học trò Hà Thị Phương Thảo.
Sau đó đến Vũ Thị Hải Yến, người thi đấu thành công tại
các giải đấu trong nước rồi được đôn lên đội tuyển quốc gia với tư cách tay vợt
trụ cột. Cũng chính từ đây em gái ruột của Yến là Vũ Thị Trang đã bước tiếp con
đường của chị để trở thành tay vợt nữ số một Việt Nam hiện nay. Cũng như hầu
hết trẻ em ở thôn Cầu Chính, Trang đam mê cầu lông từ nhỏ, lên bảy tuổi được bố
đưa đến theo học "lò" thầy Vũ để từ đó phát triển sự nghiệp. Trong số các học trò nổi tiếng của ông Vũ còn có Nguyễn
Thị Sen hay Lê Duy Nam... Họ giống như đòn bẩy biến cầu lông
trở thành một "đặc sản" ở Tân Dĩnh. Thậm chí có người còn nói vui
rằng hầu hết các gia đình nơi đây đều có ít nhất một cây vợt cầu lông. Từ khoảng 17h đến 19h các ngày trong tuần, sân nhà ông
Vũ lại trở thành điểm tập trung quen thuộc sau giờ học của trẻ em trong làng.
Ông tập trung đào tạo nữ bắt đầu từ lứa tuổi từ 4 hoặc 6 tuổi để có thể phát
hiện hết tố chất của các cháu. Nếu em nào
có thể phát triển lên con đường chuyên nghiệp sẽ được gửi lên đào tạo nâng cao
ở trường năng khiếu của tỉnh, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Không chỉ dạy thể thao, ông Vũ
còn là thầy dạy văn hóa của các cháu trong thôn, với mong muốn thế hệ trẻ được
phát triển toàn diện về cả trí tuệ, nhân cách, đạo đức, con người.Thôn Cầu
Chính vẫn còn thuần nông, xung quanh bao bọc bởi những cánh đồng, nhưng ở mảnh
đất ấy cũng có những con người rất giàu đam mê và yêu thích thể thao.