Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những vấn đề liên quan đến vắc xin có rất nhiều nên Bộ Y tế sẽ họp để trả lời trực tuyến, cung cấp đầy đủ thông tin một cách có hệ thống.
“Ngay tại đây thì tôi không thể trả lời hết các câu hỏi được. Hiện nay có hơn 90 nước dùng loại vắc xin này cơ mà (vắc xin Quinvaxem-PV)”, bà Tiến nói.
Trước câu hỏi về việc có tăng cường nhập vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, Bộ trưởng Tiến khẳng định: “Vắc xin dịch vụ không đủ. Đi mua người ta còn không bán. Muốn mua cũng không có chỗ mua đây này”.
Trước đó, Bộ Y tế đã có kết luận về trường hợp bé gái 4,5 tháng tuổi ở Hải Dương tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem. Theo đó, để đưa ra kết luận, ngày 1/11, Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm các thành viên là chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đánh giá lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, nguyên nhân tử vong của trẻ. Hội đồng thống nhất kết luận trẻ tử vong là do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc xin và quy trình tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng khẳng định vẫn tiêp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ tai biến nặng do vắc xin Quinvaxem thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm ở Việt Nam là 4,5/1 triệu liều, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20/1 triệu liều. Đến nay, cả nước đã có 3,5 triệu lượt trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem.
Theo thống kê, chỉ trong 7 ngày (từ 20-26/10) đã có 2 ca tử vong sau tiêm Quinvaxem. Nếu tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem được báo cáo, trong đó 8 ca tử vong. 7 trường hợp tử vong được kết luận là do trùng hợp ngẫu nhiên, một trường hợp tử vong do sốc phản vệ. Điều này đã làm dấy lên băn khoăn, nghi ngại của người dân về tính an toàn của loại vắc xin này.