Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần
thứ XII của Đảng đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân
trong vòng 1 tháng rưỡi qua. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng làm cho mỗi
cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, nhận thức thực tế hơn những thành tựu
cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần
thứ XI của Đảng, nhưng quan trọng nhất là đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá
trình xây dựng các chủ trương, chính sách để phát triển đất nước 5 năm tới và
khát vọng vươn lên của 30 năm tiếp theo. Kể từ ngày 15/9/2015, Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng
được công bố, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai lấy ý kiến
các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn
giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc. Hệ thống MTTQ Việt Nam đã tổ chức
các diễn đàn trao đổi, các cuộc họp để đóng góp trực tiếp vào các nội dung của
Dự thảo văn kiện từ Trung ương xuống cơ sở.
Ở Trung ương, Uỷ ban
Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị Đoàn chủ tịch để đóng góp ý kiến
trực tiếp, tổ chức 5 Hội đồng tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ
hưu trí, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong nhiều lĩnh vực
để cùng tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện.
Qua các diễn đàn góp
ý, nhiều vấn đề trong Dự thảo nhận được sự quan tâm, đóng góp của các nhân sỹ,
trí thức và các giai tầng trong xã hội. Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban
Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, những ý kiến góp ý lần này rất thực chất,
xuất phát từ tâm huyết và trách nhiệm của người dân về tình hình đất nước hiện
nay.
“Nhiệm vụ xây dựng
Đảng và xây dựng từng tổ chức Đảng vững mạnh trong điều kiện hiện nay phải gắn
với xây dựng chính quyền thực sự do dân, vì dân. Nhiều ý kiến đã đóng góp trực
tiếp bằng văn bản, câu chữ, ngữ nghĩa trong từng ý mà trong dự thảo văn kiện
đưa ra cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học
và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước 5 năm
tới đây, đặc biệt trong 30 năm tiếp theo”, ông Lê Bá Trình nói.
Cùng với việc đánh giá
cao những quan điểm mới được đề cập trong Dự thảo, cán bộ, đảng viên và nhân
dân cũng có nhiều đề xuất với Đảng các giải pháp xây dựng và phát triển đất
nước trong thời gian tới. Đó là làm thế nào để phát triển kinh tế nước ta trong
điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, vượt qua những thách thức, tận
dụng thời cơ để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để đất nước
phát triển nhưng cũng có những biện pháp để không bị rơi vào bẫy có mức thu
nhập trung bình. Đó là những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, thực
hành dân chủ trong điều kiện hiện nay và tạo cơ chế cho MTTQ Việt Nam thực hiện
giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đó là những
vấn đề cần bảo đảm dân chủ, phát huy thực hiện dân chủ trong thời kỳ hiện nay.
Ông Trần Hoàng Thám ở
thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Đại hội XII tới, Đảng cần quan tâm tới đổi mới
hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống nhà nước cần đặt vấn đề kinh tế là trung
tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nhưng theo tôi cần phải đưa khái niệm hệ thống
chính trị trong điều kiện mới. Theo hướng Đảng lãnh đạo, hệ thống chính trị có
trách nhiệm xây dựng nhưng đồng thời có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ
nghĩa, nhà nước pháp quyền do Việt Nam xây dựng”.
Cán bộ, đảng viên và
nhân dân cho rằng việc công bố toàn văn Dự thảo Văn kiện để lấy ý kiến các tầng
lớp nhân dân là việc làm cần thiết và cũng là điểm đáng mừng trong quá trình
chúng ta phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để nhân dân tham gia vào việc của
Đảng, của đất nước. Ngược lại, Đảng phải coi những việc này là của dân, thực sự
tin dân, lắng nghe dân, nghiên cứu, tổng hợp và cố gắng không làm sót những góp
ý xác đáng của dân.
Hòa thượng Thích Gia
Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho
rằng: “Chúng tôi đánh giá cao tính dân chủ của dự thảo báo cáo chính trị. Dân
chủ được thể hiện qua việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân
dân, trong đó có các tôn giáo. Đó là điều rất quý”.
MTTQ Việt Nam đang tập
hợp ý kiến báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và theo dõi quá trình xử lý của cơ
quan liên quan để báo cáo lại với các tầng lớp nhân dân. Vấn đề mà nhân dân kỳ
vọng hiện nay đó là đòi hỏi người xử lý ý kiến của nhân dân cần có trách nhiệm
để tiếp nhận các ý kiến đóng góp đó./.