Dự kiến
vào tháng 3/2016, tại kì họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ sẽ báo cáo
Quốc hội về khả năng bố trí tăng lương năm 2016 cũng như lộ trình tăng lương từ
sau năm 2017. Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của
Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn,
phương án tăng lương cần phải được tính toán kĩ lưỡng.
PV: Theo lộ trình đến tháng 3/2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội
phương án tăng lương. Xin ông cho biết cụ thể hơn về các phương án tăng lương
lần này?
Ông Phùng Quốc Hiển: Vấn đề tăng lương hiện nay đang
tiếp nhận hai luồng ý kiến khác nhau trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của
Quốc hội.
Có
nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại chưa thể có điều kiện để tăng lương cơ sở, chỉ
đảm bảo được việc tăng chế độ cho những người có mức lương dưới 2,34 theo Nghị
quyết trước đây của Quốc hội hoặc những người hưởng hưu được tăng thêm 8%.
Tuy
nhiên, Chính phủ đã bổ sung thêm những trường hợp có mức lương hưu trước năm
1995 có thu nhập dưới 2 triệu đồng, giáo viên mầm non được tính toán tăng lương
để đạt được mức lương cơ bản, cho nên việc tăng lương cho các đối tượng có mức
lương từ 2,34 trở lên sẽ là rất khó khăn.
Luồng ý kiến khác của
Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại cho rằng, nên thực hiện ngay việc tăng lương,
nhưng lựa chọn thời điểm khác nhau, hoặc bắt đầu thực hiện từ ngày 1/5/2016
hoặc từ ngày 1/7/2016. Nếu như Chính phủ trình bày chưa cân đối được nguồn ngân
sách, cứ tính trên cơ sở mặt bằng ngân sách đã giao cho các địa phương, các bộ
ngành tự phải tiết kiệm trong chi tiêu, xăng xe điện nước và hội nghị để bố trí
tăng lương.
Theo tôi, để thực hiện
việc tăng lương, chúng ta phải cần phải có 10.000 tỷ đồng, đấy là chưa kể phải
điều chỉnh chi phí chuẩn nghèo theo đa chiều. Trong cả hai phương án, phương án
nào cũng có luận điểm riêng, nhưng tôi ủng hộ phương án để đến tháng 11/2016
tăng lương cho 4 triệu người hưởng lương.
PV: Như ông nói
việc tăng lương phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách, có nghĩa là khi chưa cân
đối được ngân sách thì việc tăng lương còn tiếp tục chậm trễ?
Ông
Phùng Quốc Hiển: Theo
đúng thần của Quốc hội, khi đưa ra một chính sách mới, muốn tăng nguồn chi cho
lương thì phải tính nguồn ở đâu. Trong khi tình hình thu của nước ta đang gặp
nhiều khó khăn. Giá dầu dự toán là 100 USD/thùng nhưng giờ giảm còn 45 - 47
USD/thùng, bình quân năm nay khả năng là 50 USD/thùng nên hụt 50 USD/thùng, đưa
mức hụt thu ngân sách trung ương vào khoảng 61.000 tỷ đồng. Nếu ngân sách trung
ương có tăng để bù đắp thì vẫn hụt thu 31.000 tỷ nữa, do dù chính phủ vẫn đang
quyết tâm để hoàn thành mức thâm hụt.
Cùng với đó, từ năm
2016, tất cả chính sách về thuế sẽ được thực hiện theo Luật, thuế thu nhập
doanh giảm nghiệp xuống chỉ còn 20% theo lộ trình, thuế thu nhập cá nhân cũng
không thể nâng lên. Đúng ra, chúng ta giảm thuế tu nhập doanh nghiệp thì phải
tăng thuế thu nhập cá nhân lên, nhưng khó làm được như vậy.
Trong bối cảnh tăng
thu thì khó khăn nhưng giảm thu thì nhiều người ủng hộ, cuối cùng ngân sách huy
động GDP ngày càng thấp đi. Giai đoạn trước là 24,8% nhưng giờ chỉ còn khoảng
21%, năm 2015 huy động GDP chỉ còn 19,6% cho thấy ngân sách khó khăn, Chính phủ
cố gắng từ giờ cuối năm khai thác thêm các nguồn thu, đặc biệt chống thất thu,
nợ đọng thuế để bù đắp được nguồn thu trong năm nay.
Nhưng tiền lương giải
quyết là cả quá trình dài, nên phải cân đối thu chi cả quá trình trung hạn. Do
vậy, trong năm 2016, cụ thể là tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ
sẽ căn cứ vào diễn biến giá dầu, khả năng thu ngân sách để trình Quốc hội xin ý
kiến về toàn bộ lộ trình cải cách tiền lương.
PV: Đã nhiều năm
chúng ta chưa thực hiện được việc tăng lương, ông nghĩ sao về tiến trình này?
Ông
Phùng Quốc Hiển: Lương
và thu nhập luôn là vấn đề của cuộc sống và xã hội, ai cũng muốn thu nhập cao
hơn nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn, liên quan tiền lương và an sinh
xã hội thì phải hết sức thận trọng, hoàn toàn tính đến yếu tố cân đối ngân
sách.
Trong khi chúng ta
chưa cân đối được nguồn thu thì cũng không nên nghĩ đến chuyện tăng lương.
Trong khi thực tế đã có nhiều bài học của các nước, ví dụ như Hy Lạp đưa ra thu
nhập tiền lương phúc lợi, trong khi thu thuế chưa được hoàn thành, tiến tới đổ
vỡ nợ công. Để đến mức như vậy thì càng mất ổn định xã hội, và tình hình kinh
tế sẽ càng gặp khó khăn hơn.
PV: Xin cảm ơn
ông!./.
Đại biểu Lê Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Bộ máy hệ thống
chính trị, người ăn lương Nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của Ngân
sách Nhà nước. Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giản biên chế đảm bảo
cho đời sống của người lao động, nhưng với các chủ trương, giải pháp như đang
làm thì tôi tin là không thể giảm được.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang): Người hưởng
lương từ ngân sách chỉ có 4 triệu trong số 92 triệu dân. Trong khi nợ công
tăng, ngân sách hụt thu, tăng chi không biết tăng lương thì lấy đâu ra, tiết
kiệm chỗ này chỗ kia tôi thấy không đủ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Dưới 2,8 triệu
cán bộ ăn lương từ Ngân sách Nhà nước, hàng năm ngân sách phải dành ra 35% để
chi trả lương và cần phải 40.000 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ công chức
này. Hiện nay Chính phủ đang tính toán, nhưng không biết cân đối như thế nào vì
bộ máy của ta quá lớn, cồng kềnh so với các quốc gia khác./.