Các trường cứ đào tạo nhưng
không biết nhu cầu của thị trường lao động là như thế nào, khiến sinh viên tốt
nghiệp đại học không tìm được việc làm.
Đó là
khẳng định của TS Nolwen Henaff - chuyên gia Kinh tế giáo dục, Viện Nghiên cứu
vì sự phát triển (IRD), Cộng hòa Pháp tại hội thảo quốc tế “Chuyển biến kinh tế
- xã hội và giáo dục” do Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục tổ chức trong 2
ngày 3-4/11.
Tại buổi hội thảo, nhận định về
những thay đổi trong thị trường lao động, giáo dục và đào tạo tại Việt Nam, TS
Nolwen Henaff cho biết, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ở Việt Nam không
phải là cao. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp nhỏ vài phần trăm so với quy mô dân
số lớn như Việt Nam, đồng nghĩa với việc có vài triệu người thất nghiệp.
“Theo
tôi, một trong những chiến lược mà sinh viên có thể áp dụng để có khả năng tìm
được việc làm tốt hơn, đó là thay vì học một trường có thể học hai, ba trường.
Ví dụ 1 em sinh viên có thể học kinh tế sau đó có thể học thêm ngoại ngữ để sau
khi ra trường, nếu không tìm được việc làm trong lĩnh vực kinh tế thì có thể
tìm việc làm trong lĩnh vực ngôn ngữ”, TS Nolwen Henaff cho hay.
Tiến sĩ
khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Bài
toán thiếu hụt kỹ năng của lao động Việt Nam trở thành vấn đề bức xúc trong
việc nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội
nhập sâu trong khu vực, với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối
năm 2015.
TS.
Tiến chỉ ra nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là do các cơ sở đào tạo của
Việt Nam thiếu năng lực, thiếu động lực và thiếu thông tin trong việc tạo nên
những gắn kết cần thiết với môi trường xung quanh. Nguyên nhân sâu xa là do
những bất cập, yếu kém trong chính sách phát triển nhân lực của Việt Nam.
Ông
Tiến đưa ra một số giải pháp về mặt chính sách là tái cơ cấu tài chính công,
nâng cao trách nhiệm giải trình, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp
cận năng lực, và tái cơ cấu giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo hướng
cầu.
Trước
bối cảnh nhu cầu nguồn nhân lực của nhà tuyển dụng về số lượng và cơ cấu ngành
nghề luôn thay đổi theo bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu về chất
lượng nguồn nhân lực (kỹ năng cứng và kỹ năng mềm) luôn thay đổi theo bối cảnh
tiến bộ khoa học và công nghệ, theo PGS.TS Lê Đức Ngọc - Giám đốc Công ty Đảm
bảo, Đo lường và Đánh giá chất lượng giáo dục thì không có giải pháp xóa bỏ, mà
chỉ có giải pháp thu hẹp khoảng cách yêu cầu nguồn nhân lực giữa cơ sở đào tạo
và nhà tuyển dụng.
Ông
Ngọc đã đưa ra và giải trình bốn giải pháp chính: 1. Phối hợp đào tạo, 2. Đào
tạo theo học chế tín chỉ, 3. Đào tạo theo năng lực, 4. Đa dạng hóa các loại
hình đào tạo: chính qui, bồi dưỡng, thường xuyên, từ xa… mà các cơ sở đào tạo
nên theo để thu hẹp các khoảng cách này./.