Tham dự
Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước là các Bộ:
KH&CN, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,
Giao thông Vận tải..., các Sở KH&CN của một số địa phương, đại
diện Khối viện, trường là các cơ quan nghiên cứu và phát triển công
nghệ (nguồn cung công nghệ) và đại diện Khối doanh nghiệp là các tập
đoàn, tổng công ty (nguồn cầu công nghệ). Ngoài ra, tham dự Hội thảo
còn có các đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban KHCN&MT, Ủy ban Kinh
tế và một số Ủy ban khác của Quốc hội.
Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 có hiệu lực từ
01/7/2007, đến nay đã qua gần 10 năm thực thi và có nhiều tác động tích cực
đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong phạm
vi cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật đã bộc lộ một số bất
cập về cơ chế chính sách trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế
sâu rộng với tư cách là thành viên của WTO và vừa tham gia đàm phán,
ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Một trong những vấn đề được đặc biệt quan
tâm tại Hội thảo là chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư trực
tiếp của nước ngoài (FDI). Nội dung của Luật Chuyển giao công nghệ hiện
nay chủ yếu mới đề cập đến nhập khẩu công nghệ và chuyển giao công nghệ từ nước
ngoài vào Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam là nước trình độ phát triển rất thấp,
chưa có kinh nghiệm hội nhập quốc tế. Vấn đề đặt ra là, cần làm thế nào
để tiếp nhận được công nghệ cao, công nghệ mới và thông qua chuyển
giao công nghệ phải tiên tới làm chủ được công nghệ, phát triển được
các công nghệ của riêng mình, đồng thời có tác dụng phát triển lan
tỏa đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành
chưa đề cập nhiều đến việc chuyển giao công nghệ trong nước, đó là chuyển
giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ
giữa các doanh nghiệp với nhau. Các ý kiến tại Hội thảo cũng đã đề
cập đến các cơ sở pháp lý và gợi mở một số giải pháp nhằm hình
thành và phát triển các định chế trung gian, góp phần thúc đẩy phát
triển mạnh mẽ thị trường KH&CN trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Chuyển giao công nghệ đã trở thành vấn đề cấp thiết. Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội đưa
vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ XIII và
dự kiến được trình Quốc hội xem xét vào cuối năm 2016.
Hội thảo “Thực thi Luật Chuyển giao công nghệ của
Việt Nam” nhằm tổng kết, đánh giá lại quá trình thực thi Luật Chuyển giao
công nghệ này trong 10 năm qua. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp
thu ý kiến của các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, ý kiến
của các doanh nghiệp và ý kiến của một số cơ quan quản lý Nhà nước liên quan
để sửa đổi bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu thực
tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và những
năm tới.