Đáng lo ngại là trong khi thời
gian và các giải có tính chất vòng loại không còn nhiều, các VĐV Việt Nam đang
gặp vô vàn khó khăn để có thể hoàn thành chỉ tiêu được ngành thể thao đề ra.
Trước đây, Việt Nam thường nhận những vé mời tham dự sân chơi thể
thao số 1 hành tinh, nhưng tại các kỳ Olympic gần đây, chúng ta có ngày càng
nhiều VĐV vượt qua vòng loại, nên đã không còn trong danh sách các nước được Ủy
ban Olympic thế giới.
Cho hưởng “đặc ân” vào thẳng
Olympic. Điều này cũng có nghĩa, TTVN buộc phải “tự thân vận động” để có suất
chính thức tham dự kỳ Thế vận hội 2016. Đến thời điểm này, chúng ta mới chắc
chắn 3 VĐV, ở các môn bơi, bắn súng và bơi lội.
Cụ thể, tại giải bắn súng vô địch thế giới lần thứ 51-2014 diễn ra
tại Tây Ban Nha, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường thi đấu 2 nội dung
50m súng ngắn bắn chậm và 10m súng ngắn hơi nam, đã mang về 2 tấm vé tham dự
tham dự Olympic 2016 đầu tiên cho TTVN. Còn tại SEA Games 28, kình ngư Ánh Viên
không chỉ giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục Đại hội, cô còn giành 3 chuẩn A
Olympic 2016 ở các nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân, 200 m hỗn hợp cá nhân và
400m tự do.
Ngoài bắn súng và bơi lội đã giành 3 vé đi thẳng tới Brazil 2016,
các môn thể thao khác của TTVN cũng bắt đầu chạy đua tích điểm đạt chuẩn dự
Olympic 2016. Sau thành công tại SEA Games 28, TTVN đang lạc quan đặt mục tiêu
giành 16-18 suất tham dự, phấn đấu đạt một, hai huy chương tại Olympic 2016.
Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu vượt qua vòng loại với gần 20 tấm vé cũng là một
nhiệm vụ vô cùng khó khăn, chứ chưa muốn nói tới huy chương tại sân chơi
Olympic.
Ngay từ đầu năm 2015, khoảng hơn 50 VĐV đã được đầu tư trọng điểm,
trong đó có những gương mặt được đặc biệt kỳ vọng sẽ giành vé và có cơ hội
tranh chấp huy chương tại Olympic 2016. Tuy nhiên, việc tranh vé tham dự
Olympic không chỉ cần sự đầu tư, mà cả những nỗ lực hết mình của VĐV, sự may
mắn và làm sao tránh được những chấn thương trước những giải đấu lớn có tính
chất vòng loại
Có một thực tế là rất nhiều VĐV
Việt Nam mới chỉ vượt qua chuẩn B Olympic (chưa chắc chắn có vé như chuẩn A).
Chẳng hạn như ở môn bơi, Quang Nhật, Duy Khôi, Quý Phước mới chỉ đạt chuẩn B
Olympic nên chưa có gì đảm bảo sẽ có mặt tại xứ sở Samba. Điều đáng nói là
ở những giải gần đây, thành tích của các VĐV này đang đi xuống, đồng nghĩa với
việc họ sẽ càng có nguy cơ “trượt” vé (VĐV tuy đạt chuẩn B vẫn phải chờ xếp
hạng của Liên đoàn bơi lội thế giới tính từ cao xuống thấp trước ngày chốt danh
sách).
Tương tự là môn điền kinh, Nguyễn Thị Huyền thi đấu rất ấn tượng
tại SEA Games 28, khi đoạt HCV 400m với 52 giây, HCV 400m rào nữ với 56 giây
15. Tuy nhiên, kể từ sau khi đạt chuẩn tại SEA Games 28 đến nay, thành tích của
Huyền liên tục tụt trên bảng thống kê thành tích của Liên đoàn Điền kinh Thế
giới (IAAF). Hiện tại thành tích 400 m với thời gian 52 giây của Nguyễn Thị
Huyền đã rơi xuống hạng 77 trong số những VĐV đủ chuẩn. Trong khi nội dung này
chỉ lấy 48 VĐV.
Hai môn được đánh giá cao sẽ có vé tham dự Olympic là TDDC và cử
tạ. Đội tuyển TDDC vừa tham dự giải vô địch thế giới tại Anh đã không đạt thành
tích như mong đợi, vì thế vẫn chưa thể giành vé tới Olympic.
Những môn khác như đấu kiếm, judo, cầu lông… chúng ta chỉ trông
chờ vào việc VĐV tích điểm và đạt thứ hạng vừa đủ để nhận suất chính thức.
Từ nay tới Olympic 2016, TTVN đang phải chạy đua với thời gian để
hoàn thành mục tiêu giành ít nhất 16-18 suất chính thức. Kể từ năm 2008 chúng
ta chưa có tấm huy chương nào ở sân chơi lớn nhất hành tinh này. Ngay tại sân
chơi tầm châu lục là Asiad, thành tích của TTVN từ năm 2002 đến nay giảm dần
đều, cơ hội đoạt HCV ngày càng khó khăn (Asiad 2014 chỉ giành duy nhất 1 HCV),
phản ảnh một sự thật là dù đã có những đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt nhưng khả
năng tiếp cận đến trình độ thế giới hãy còn khá xa vời.