Nguyên
tắc bầu cử trong HĐCH là bỏ phiếu kín theo từng khu vực địa lý. Tại kỳ họp lần
thứ 38 ĐHĐ UNESCO diễn ra từ 03 - 18/11/2015 tại Pháp, ĐHĐ bầu lại 30 quốc gia
thành viên. Cuộc đua lần này đặc biệt căng thẳng và căng nhất là cuộc đua trong
nhóm IV Châu Á- Thái Bình Dương (Việt Nam thuộc nhóm này), nhóm Va Châu Phi (13
nước tranh cử cho 7 ghế) và nhóm Vb các nước Ả-rập (8 nước tranh cử cho 4 ghế).
Về nhóm IV Châu Á - Thái Bình Dương có 6 ghế và 8 nước tranh cử gồm:
Afghanistan, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc, Samoa, Sri
Lanka, Việt Nam.
Cuộc bầu
cử căng thẳng đến mức Ban kiểm phiếu đã phải hoãn 2 lần công bố phiếu. Kết quả,
vào nửa đêm ngày 11/11, rạng sáng 12/11/2015 theo giờ Việt Nam, Việt Nam đã được
tuyên bố trúng cử HĐCH UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 với số phiếu rất cao: 156 phiếu,
đứng thứ hai trong các nước trúng cử nhóm IV là: Malaysia, Việt Nam, Hàn Quốc,
Pakistan, Sri Lanka, Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong khi đó, tại nhóm Vb, các nước
Ả-rập vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ và ĐHĐ sẽ phải bỏ phiếu thêm vòng hai vào ngày
thứ sáu 12/11/2015 để quyết định nước nào trúng cử trong hai nước Ả-rập Xê-út
và Xu-đăng.
Việt Nam trở thành thành viên HĐCH UNESCO với số
phiếu bầu cao thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường
quốc tế; đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp
của Việt Nam đối với UNESCO. Đạt được số phiếu bầu trúng cử cao còn là kết quả
của một quá trình vận động chính trị, ngoại giao hết sức tích cực và quyết liệt
của chúng ta ở tất cả các cấp, trong và ngoài nước, tại UNESCO và trên các diễn
đàn đa phương khác cũng như trong các quan hệ song phương.
Đây là lần
thứ tư Việt Nam trúng cử thành viên HĐCH UNESCO. Ba lần trước diễn ra vào các
năm 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013. Trở thành thành viên HĐCH, Việt Nam có điều
kiện tham gia chủ động, tích cực hơn trong các quyết sách của UNESCO, qua đó thể
hiện và phát huy vai trò “thành viên tích cực của tổ chức, có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế”, đồng thời là cơ hội để không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của
ta, chủ động tích cực hội nhập quốc tế trên 5 lĩnh vực giáo dục, khoa học tự
nhiên, khoa học xã hội, văn hóa, thông tin - truyền thông, góp phần thực hiện
thành công Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế.