Tại
phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, một số Đại biểu Quốc hội đã đề
nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.
Trả lời
các Đại biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn
của Đảng và Nhà nước ta, đã được đề cập toàn diện trong Cương lĩnh, Hiến pháp,
nhiều Nghị quyết của Đảng và trong dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế -
Xã hội trình Đại hội XII của Đảng.
Theo
đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị
trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành
đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội
nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn
lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát
triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng
bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân,
thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường.
Thủ
tướng chỉ rõ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ,
quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao
nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước
tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh
nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng,
minh bạch trong kinh tế thị trường. Đồng thời, phát huy cao nhất quyền làm chủ
của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và
xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện nội dung nêu
trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã và đang triển khai thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể
chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp
lệnh, thi hành Hiến pháp và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn
thi hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi. Đồng thời, rà
soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu của
kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
“Phát triển đồng bộ,
hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao
động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường
mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản… Chủ động mở
cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế gắn với nâng cao năng suất lao
động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng
hàng hóa, dịch vụ. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản
xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường”, Thủ tướng chỉ rõ.
Chính phủ bảo đảm ổn
định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; cơ
cấu lại phù hợp thu chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi, quản lý hiệu quả
nợ công, nợ xấu, bảo đảm an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Tăng cường các
nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù
hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường quản lý thị trường, giá
cả.
“Thực hiện nhất quán
cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh
tế. Riêng đối với những hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu (bao gồm cả dịch vụ y
tế, giáo dục), kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp,
tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành
giá; đồng thời hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng
bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ cũng thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới
quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện cơ chế thị trường đối với cung
cấp các dịch vụ công. Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo
cơ chế doanh nghiệp và chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho
các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được thụ
hưởng. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Bảo đảm cạnh tranh
bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tập trung tạo dựng môi
trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành nền kinh tế bằng
pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với kinh tế thị
trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của
người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và
phát triển. Kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt
động trong cơ chế thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ
chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.
Tập trung phát triển
hạ tầng kinh tế xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ. Thực hiện
tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo bền
vững, quản lý tài nguyên, cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai và ứng
phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành
chính. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm,
phục vụ nhân dân. Nỗ lực xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh
nghiệp, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh
tranh.
Ngoài ra, Chính phủ
chủ trương phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể nhân
dân, của mọi người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức xã hội, xã hội
nghề nghiệp… trong tham gia xây dựng, phản biện, giám sát thực hiện chính sách,
pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân trong kinh tế thị
trường./.