Đào thường ra hoa trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng chạp năm trước đến trung tuần tháng giêng năm sau. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy năm thời tiết nắng ấm đến sớm, cộng thêm nhuận tháng 9 nên đào nở sớm hơn so với mặt bằng chung mọi năm. Vậy nên muốn có hoa đào nở đúng vào dịp Tết, người trồng đào, chơi đào phải có những bí quyết điều chỉnh cho hoa đào nở vào đúng dịp.
Tuốt lá, hãm đào, thúc đào, thiến đào,... là những cách mà nông dân trồng đào lâu năm thường hay sử dụng để giúp đào ra hoa đùng vào dịp Tết Nguyên Đán.
Kỹ thuật tuốt lá
Về kỹ thuật tuốt lá, chủ vườn đào Dũng Ngà chia sẻ: Vào trung tuần tháng 11 âm lịch, tiến hành tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Nhưng với tình hình thời tiết như hiện tại, ta thì tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm nào thời tiết rét thì tuốt lá đào sớm hơn thời điểm trên vài ngày. Sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, ta phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào, hãm cho đào không ra hoa sớm. Nếu trời rét kéo dài, ta cũng phải làm giàn che cho đào và hàng ngày tưới nước ấm vào quanh gốc đào để đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng kỳ hạn
Kỹ thuật hãm đào
Với thời tiết nồm, ấm như ở hiện tại, nụ hoa đã nhú to, hoa có khả năng nở sớm thì phải hãm bằng các cách sau: Làm giàn che lưới đen và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán cây, tưới bằng nước lạnh. Dùng dao khoanh một hay nhiều vòng xung quanh cành đào, thân đào để hạn chế vận chuyển dinh dưỡng nuôi cây, ức chế quá trình sinh trưởng như hãm đào lần đầu- chủ vườn đào Tuấn Việt chia sẻ.
Kỹ thuật “thiến” đào
Từ giữa đến cuối tháng 11 âm lịch, dừng bón phân vào gốc và hạn chế tưới nước để chuẩn bị tuốt lá. Ngoài ra, bà con cần tiến hành thao tác “thiến” đào.
Theo kinh nghiệm dân gian thì thường “thiến” đào vào tháng 8 âm lịch, bằng cách: Dùng dao sắc cắt bỏ một khoanh vỏ thân ở dưới chỗ phân cành; sau đó 1 tuần, lá đào sẽ chuyển từ màu xanh đậm sang vàng nhạt và hơi rủ xuống. Nếu lá vẫn xanh tươi, thì tiếp tục cắt thêm một khoanh vỏ nữa. Sau khi bóc vỏ xong, cần dùng túi nylon cuốn che bên trên vết khoanh, buộc chặt để nước mưa không đọng chỗ vỏ bị khoanh làm thối vỏ./