Tại Hội
nghị Trung ương 2 khoá XII vừa bế mạc chiều 12/3, Ban Chấp hành Trung ương
khẳng định, cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước
một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị
quyết Đại hội XII của Đảng; nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh
đạo các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII (dự kiến khai mạc
vào 21/3) theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trung
ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ
tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà
nước ta với số phiếu tập trung rất cao, đồng thời, Bộ Chính trị đã báo cáo xin
ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với
các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của
Hiến pháp và pháp luật.
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự
của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng
tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo
các cơ quan nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng
thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị,
vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan
nhà nước.
Theo dự
kiến chương trình Kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội cho ý kiến, Quốc hội sẽ dành 12 ngày (4-16/4) xem xét, quyết định về công tác
nhân sự Nhà nước.
Theo
danh sách 19 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được phân công công tác sau Đại hội
XII, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, đã có 7 người nhận trọng
trách mới: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra
Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP.HCM
Đinh La Thăng.
11 Uỷ
viên Bộ chính trị còn lại sẽ được giới thiệu ứng cử 3 chức danh lãnh đạo chủ
chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tại
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, cũng như chờ phân công nhiệm vụ.
Đó là:
Ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng
Chính phủ), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Nguyễn Thiện
Nhân (Chủ tịch UBTW MTTQVN), bà Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông
Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Ngô Xuân Lịch (Chủ
nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN), ông Tô Lâm (Thứ trưởng Bộ Công an), ông
Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Văn Bình (Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước) và ông Trương Hoà Bình (Chánh án TANDTC).
Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội như thế nào?
Hiến
pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định, Quốc hội là cơ quan
đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước
CHXHCN Việt Nam.
Quốc
hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng
của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.
Tại kỳ
họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ
tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu
Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
khóa trước.
Chủ
tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội
và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội theo đề
nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài
danh sách do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới
thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu
ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
Chính
phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội
quyết định.
Thủ
tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về
hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch
nước. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề
nghị của Chủ tịch nước.
Ngoài
danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm
hoặc tự ứng cử vào chức danh Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án
TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi
danh sách người ứng cử.
Điều 29
của Nội quy Kỳ họp Quốc hội, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc
hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC phải tuyên thệ trung thành với Tổ
quốc, Nhân dân và Hiến pháp./.
Nội quy
Kỳ họp Quốc hội quy định:
Trong trường hợp biểu quyết bầu các chức danh trong bộ máy nhà
nước, người được quá nửa số phiếu tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội và
được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử.
Trong trường hợp cùng bầu một chức danh mà nhiều người được số phiếu
tán thành ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu tán thành so với tổng số đại biểu
Quốc hội thì Quốc hội biểu quyết lại việc bầu chức danh này trong số những
người được số phiếu tán thành ngang nhau.
Trong số những người được đưa ra biểu quyết lại, người được số
phiếu tán thành nhiều hơn là người trúng cử; nếu biểu quyết lại mà nhiều người
vẫn được số phiếu tán thành ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng
cử;
Việc phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước phải được quá
nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;
Việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ; phê chuẩn miễn nhiệm,
cách chức phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba
tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. /