Ông Thường kể trước đây do nhà nghèo, ít đất sản xuất, để gia đình có thêm thu nhập, ông đã tận dụng đất trống sau nhà xây chuồng nuôi heo. Tuy nhiên, do nuôi heo thu nhập không đáng kể lại tốn nhiều công chăm sóc, năm 2000, ông quyết định chuyển sang nuôi cá sấu. Lúc này, người dân Phước Long cũng ồ ạt nuôi cá sấu dẫn đến cung vượt cầu làm giá cá sấu thương phẩm rớt thê thảm. Riêng ông Thường, mặc dù số lượng nuôi không nhiều nhưng mỗi vụ nuôi cá sấu đã làm cho gia đình ông thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Năm 2004, ông Thường được một người thân gợi ý chuyển qua nuôi cua đinh vì giá thương phẩm được thương lái thu mua rất cao, đặc biệt vật nuôi này lại phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng tại vùng chuyển đổi sản xuất ở Bạc Liêu. Sau khi “suy đi, tính lại”, ông Thường quyết định gom số tiền nhiều năm dành dụm, tích cóp được rồi đón xe lên TP.Cần Thơ tìm mua được 33 con cua đinh giống. Về nhà, ông chỉnh sửa, rào chắn lại chuồng nuôi cá sấu cũ, rồi cho vào chuồng ít bùn đất và thả cua đinh nuôi. Ông Thường cho biết: “Cua đinh lớn rất nhanh. Từ những con giống ban đầu chỉ bằng bàn tay nhưng sau hơn một năm thả nuôi đã đạt trọng lượng từ 3 – 5 kg/con. Lúc này tôi quyết định xuất bán và sau khi trừ các khoản chi phí như con giống, thức ăn còn lời trên 50 triệu đồng”. Từ vụ nuôi thành công đầu tiên, ông Thường nhận thấy cua đinh dễ nuôi, không hao hụt, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng lợi nhuận cao hơn nuôi heo và cá sấu, nên ông quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi với số lượng lớn.
Theo ông Thường, hiện cua đinh thương phẩm loại nhất, có trọng lượng từ 6 – 7 kg/con được thương lái thu mua từ 700.000 – 800.000 đồng/kg nhưng luôn hiếm hàng và không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu nuôi cua đinh theo quy mô nông hộ thì không cần diện tích lớn, thiết kế chuồng trại giống như nuôi ba ba nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật để tránh cua đinh không bị xây xát. “Nguồn thức ăn của cua đinh chủ yếu là cá tạp, được người dân khai khác trong tự nhiên như rô phi, các loại cá biển nhỏ mà người dân ở thôn quê có thể tự bỏ công đi kéo, giăng lưới là bắt được. Người nuôi có thể tận dụng diện tích vườn tạp để xây hồ rộng từ 3 – 5 m2 là có thể thả được 10 – 20 con cua đinh, nhưng lời sẽ hơn nhiều lần so với nuôi khoảng 20 con heo”, ông Thường cho biết.
– Để giảm hao hụt trong quá trình gây nuôi, nhất là để cua đinh phát triển, tăng trưởng nhanh, người nuôi cần phải chọn lựa thật kỹ để có con giống, nên mua ở các trang trại, cơ sở sản xuất giống có uy tín. Không nên chọn mua cua đinh giống quá nhỏ, nên mua loại kích cỡ bằng bàn tay, vì trọng lượng như thế cua đinh sẽ khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, không hao hụt. Ngoài ra định kỳ hằng tuần cần vệ sinh thật kỹ hồ nuôi, cần thay nước, ổn định môi trường để ngăn ngừa mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cua đinh.
Hiện nay, ông Thường đã xây thêm nhiều hồ để nuôi hàng trăm con cua đinh thương phẩm, mỗi năm thu lời trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc cua đinh giống khá khan hiếm dẫn đến giá bán trên thị trường khoảng 500.000 đồng/con nên ông Thường dự tính đến phương án tự nhân giống. “Tôi đã phân loại, chọn lọc một số con cua đinh bố mẹ tốt, khỏe mạnh để cho sinh sản nhân tạo. Mục đích là vừa lấy giống thả nuôi, vừa bán cho các hộ dân gây nuôi”, ông Thường nói.
Ông Nguyễn Việt Chiều, Phó chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Tây B, cho biết mô hình nuôi cua đinh của ông Thường đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, địa phương đang tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi, hướng dẫn quy cách xây dựng chuồng trại, đăng ký gây nuôi để bà con áp dụng, nhân rộng mô hình./