2. Kỹ thuật trồng táo ta
– Vụ Xuân có mưa, độ ẩm không khí cao thì trồng rễ trần. Trái lại vào mùa hanh khô thì phải trồng bầu để đảm bảo tỷ lệ sống cao.
– Đặt gốc đứng thẳng hoặc hơi nghiêng để cành ghép hướng theo chiều thẳng đứng, mặt bầu đất đặt ngang bằng mặt hố. Nếu trồng rễ trần thì đất lấp phải kín phía trên cổ rễ, không được lấp đất quá cao gần chỗ mắt ghép. Chú ý không cho rễ cây tiếp xúc với phân bón lúc mới trồng.
– Sau khi trồng, phải ủ gốc bằng cỏ rác hoặc rơm rạ để giữ ẩm và tưới nước cho cây. Hàng tuần theo dõi vặt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép, ta gọi đó là các mầm dại vì để nó phát triển sẽ lấn át mầm ghép, cây lớn lên sẽ không cho quả đúng như cây giống tốt ban đầu.
3. Thời vụ trồng
– Nếu cây giống ghép được sớm, đúng tiêu chuẩn xuất vườn thì có thể trồng tháng 11, vì lúc này trời còn ấm, đất còn ẩm, sang Xuân thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng nhanh, chóng tạo tán và cuối năm vụ bói quả đầu sẽ có nhiều quả.
– Nếu hết tháng 11 mà cây giống còn nhỏ thì để qua Tết âm lịch, trồng vào tiết lập Xuân trở đi là tốt hơn cả. Ở miền Nam, Tây Nguyên nên trồng vào đầu mùa mưa.
4. Quản lý và chăm sóc
a) Bón phân:
– Sau khi trồng một tháng, cây đã bén rễ có thể tưới nước phân lợn pha loãng tỷ lệ 1: 10 đến 1: 3 theo độ lớn dần của cây, hoặc phân đạm hòa nước tỷ lệ 1%, mỗi tuần một lần trong 1, 2 tháng đầu.
– Sau đó hàng tháng, định kỳ bón thúc 1 lần bằng phân vô cơ gồm đạm, lân, Kali theo tỉ lệ 2: 1: 1 với liều lượng 0,2 kg với cây nhỏ và 1,5 kg với cây lớn.
– Cách bón: Rải phân theo hình chiếu của tán cây, dùng cuốc xới lật, lấp phân xuống ở độ sâu 5 – 10 cm. Lượng NPK bón cho cây phải tăng dần theo tuổi cây và sản lượng quả mà cây mang lại.
b) Tưới nước:
– Muốn có năng suất cao, phẩm chất quả ngon, phải đảm bảo đủ nước cho táo. Có thể nói táo rầt cần nước ở các giai đoạn sinh trưởng, nhất là lúc quả đang phát triển. Nếu gặp hạn, không đủ nước, quả sẽ nhỏ, vỏ dày, ăn chát, kém phẩm chất.
– Cung cấp nước cho cây bằng cách dẫn nước ngấm theo rãnh luống vào gốc cây hoặc tưới phun.
5. Phòng trừ sâu bệnh
– Vào mùa Hè táo hay bị các loại sâu như sâu cắn lá, sâu cuốn lá, nhện đỏ. Dùng Wofatox 0,1% phun định kỳ 15 ngày 1 lần. Khi táo có quả non hay có sâu đục quả, phun BI 58 nồng độ 0,1%. Trong tháng 6 – 7 xén tóc thường đẻ trứng vào thân cây và sâu non gặm vỏ tạo thành đường vòng quanh thân cây, ngăn đường vận chuyển nhựa làm cây úa hoặc chết. Để phòng loại sâu này, hàng năm khi đốn cây dùng 100 g Basudin hòa vào trong 10 lít nước trộn với phân bò hoặc đất sét quét lên thân cây từ mặt đất lên cao 1 m. Không nên trộn với vôi vì sẽ làm cho thuốc mất hiệu quả. Muốn diệt sâu non thì dùng dao nhọn rạch theo đường sâu gặm để bắt rồi bôi Wofatox 0,2% vào chỗ bị gặm.
– Táo thường có 2 loại bệnh: phấn trắng và thối quả. Muốn tránh 2 loại bệnh này cần chú ý đảm bảo độ thông thoáng, khi đốn tránh cho chồi cây gặp lạnh mùa Đông và chống thối quả bằng phun thuốc Boóc đô 1% hay Zineb 0,5 – 1%.
6. Kỹ thuật cắt tỉa
Căn cứ vào đặc điểm của giống và mục đích sản xuất mà có các cách đốn khác nhau. Cành quả của táo mọc trên cành mẹ ra trong vụ Xuân cùng năm, bởi vậy đốn cành làm sao để có nhiều cành ra trong vụ Xuân, cành khỏe, có sản lượng cao. Có hai cách đốn như sau:
– Đốn phớt: làm thường xuyên, hàng năm sau vụ hái quả nhằm giữ cho sản lượng quả cao và ổn định. Cắt toàn bộ phần cành mang quả và cành mẹ đốn chỉ chừa lại một đoạn ở ngoài tán khoảng 10 – 30 cm. Đến mùa Xuân trên cành mẹ này sẽ mọc nhiều mầm mới, phát triển thành cành. Nếu ở mỗi cành mẹ có quả nhiều mầm thì tỉa bớt, giữ lại những cành phân bố đều trên tán, nhằm tận dụng tối đa ánh sáng, nước và dinh dưỡng, cây sẽ cho quả nhiều và có năng suất cao. Kỹ thuật đốn phớt này áp dụng đối với táo Gia Lộc làm trái vụ (ra hoa tháng 5 và có quả vào tháng 8 – 9).
– Đốn đau: nhằm tạo tán đối với cây còn nhỏ 1 – 3 tuổi và đối với những cây đã lớn.
+ Cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc của 3 cành lớn ra trong năm trước. Do đốn đau sẽ phát sinh nhiều cành vượt, nâng được tán cây cao dần lên. Còn những cây đã lớn, tán quá rộng, có hình dù đốn cụt, có tác dụng thu hẹp tán lại bằng những cành mới.
+ Thời vụ đốn táo: thường tiến hành sau khi hái quả. Song, tùy theo giống sớm hoặc muộn mà đốn cho thích hợp. Nếu đốn quá muộn, trên cây đã mọc những mầm mới, chất dinh dưỡng bị phân tán và tiêu hao vô ích, ảnh hưởng đến các mầm mọc về sau. Tốt nhất nên đốn từ 15/2 – 15/3 vì sẽ cho số lượng cành cấp I nhiều nhất, tốc độ ra cành cũng nhanh và tập trung hơn các thời vụ khác. Cây cho nhiều cành quả để có sản lượng cao.
– Cần chú ý kết hợp việc đốn táo với việc bón phân bổ sung đầy đủ cho cây sau khi đốn./