1. Về nhiệt độ
– Hoa phong lan có rất nhiều giống, loài khác nhau được phân bổ khắp mọi nơi trên thế giới, có nhiều loại lan là lan nhiệt đới, lan á đới và lan ôn đới, mỗi loài có những đặc điểm sinh trưởng và phát triển rất khác nhau. Chính vì vậy khi trồng lan chúng ta cần phải biết được loài lan mà mình đang trồng là gì và chúng cần những gì.
– Đối với những loài lan nhiệt đới, ôn đới chúng có đặc điểm sinh trưởng khá giống nhau, nhưng chúng đòi hỏi nhiệt độ sinh trưởng khác nhau vào mùa đông. Lan nhiệt đới cần phải đảm bảo nhiệt độ từ 16 – 18 oC vào ban ngày và ban đêm là 14 oC. Còn với giống lan ôn đới thì nhiệt độ ban ngày là 13 – 15 oC, ban đêm từ 10 – 11 oC.
– Nếu những cây lan ôn đới và á nhiệt mọc trên những vùng núi cao thì nhiệt độ ban ngày sẽ là 7 oC và ban đêm xuống còn 3 oC. Có một số loại lan như độc toán, xuân lan thì nhiệt độ thích hợp sẽ là từ 0 – 5 oC thì cây mới có thể ra hoa.
2. Về ánh sáng
– Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của lan mà người trồng không thể bỏ qua đó chính là ánh sáng. Ánh sáng cần phải được đảm bảo để cây có thể quang hợp và sinh trưởng được. Yếu tố ánh sáng ảnh hưởng nhiều đến các giai đoạn như mọc nhánh, sinh trưởng, ra hoa của cây lan. Điều kiện ánh sáng của mỗi loài lan cũng rất khác nhau, có loài ưa sáng nhưng cũng có loài ưa bóng râm. Dựa trên đặc điểm này người ra chia lan thành 3 loại chính đó là: lan ưa nắng, không ưa nắng và loại ưa bóng râm.
– Với giống lan ưa nắng chúng ta cũng không nên cung cấp quá nhiều ánh sáng, chỉ cần một lượng nhỏ và vừa đủ mà thôi. Chẳng hạn như lan trúc là 30 – 40%, lan bán âm (Vanda, thạch hộc) là 50 – 70%, lan tính âm (các loại lan truyền thống) là 85 – 90%.
– Giới chuyên mô trong ngành trồng lan đã chỉ ra rằng ánh sáng thích hợp nhất để lan có thể phát triển tốt là từ 4.000 – 5.000lx. Thường thì lan địa sinh sẽ cần nhiều ánh sáng hơn lan phụ sinh, loài lá lớn cần nhiều hơn những loài lá nhỏ hoặc là nơi cao hơn mực nước biển sẽ cần ít ánh sáng hơn những nơi thấp hơn mực nước biển.
– Trong những ngày hè nắng gắt và chói chúng ta nên để nắng chiếu vào lan trước 7 giờ sáng, vì lúc này ánh sáng còn khá yếu không ảnh hưởng nhiều đến lan. Còn nếu sau 7 giờ chúng ta nên đảm bảo có mái che, tránh ánh nắng trực tiếp gay gắt chiếu vào lan sẽ khiến cây bị vàng, cháy lá. Có một lời khuyên dành cho người trồng lan là nên cung cấp nhiều ánh sáng cho lan vào thời điểm trước tiết Thanh Minh, điều này sẽ giúp cho rễ, chồi, lá phát triển tốt. Khi trời trở lạnh chúng ta cần cung cấp nhiều ánh sáng hơn để cây có thể ra hoa.
3. Về Độ ẩm không khí
– Đa phần các loại lan đều có thể sống được trong môi trường nhiệt đới với độ ẩm không khí đạt từ 70 – 90%, còn lan Á nhiệt đới sẽ là 60 – 80%. Do đó, trong quá trình trồng lan chúng ta cần phải đảm độ ẩm khoảng 70% để lan có thể sinh trưởng tốt và thuận lợi nhất.
– Cũng phải nói rằng độ ẩm không khí của lan còn phụ thuộc nhiều vào chủng loại, thời tiết, mùa, thời kỳ sinh trưởng… Độ ẩm của các vùng núi cao, thung lũng khá thấp nên chúng ta cần phải đảm bảo độ ẩm từ 70 – 80% cho những giống lan này.
4. Về nước tưới
Lan khá dễ bị ngập úng mặc dù chúng là loài ưa ẩm, chính vì vậy mà đa phần các loài lan đều mọc ở những khe núi, thung lũng, vách đá… Trong giai đoạn mọc rễ, chồi và sinh trưởng cây lan sẽ cần rất nhiều nước, chúng ta cần phải đảm bảo đủ nước để cây phát triển khỏe mạnh. Trong những ngày mưa nên hạn chế việc tưới nước, điều tiết lượng nước phù hợp để tránh tình trạng ngập úng, thối rễ của cây.
5. Về sự thông thoáng
Lan không sợ gió đa phần chúng đều sống ở nơi có nhiều gió vì vậy, khi trồng lan cần đảm bảo nơi thoáng khí, thoáng gió để hạn chế tình trạng sâu bệnh trên cây. Nên tránh việc trồng lan ở những nơi có nhiều bụi bẩn, khói, không khí ô nhiễm sẽ cản trở đến quá trình hô hấp của cây.
6. Về giá thể nuôi trồng
Giá thể trồng lan cũng là một điều rất quan trọng, nếu giá thể không tốt thì lan sẽ không thể phát triển và sinh trưởng tốt được. Với lan địa sinh có thể sử dụng bùn để trồng vì chúng rất tốt cho sự sinh trưởng của lan. Hoặc có thể sử dụng đất đã bị phong hóa, cỏ bụi làm giá thể trồng lan vì chúng tơi xốp, có độ pH, kali… đảm bảo cho sự sống của lan. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng thêm rêu, dương xỉ, vỏ dừa, vỏ cây, trấu, than… để trồng lan.
7. Về nhu cầu phân bón hóa học
Trong quá trình trồng lan chúng ta cũng nên bón thêm một số loại phân bón dành riêng cho lan để cung cấp thêm dưỡng chất cho cây. Nên chọn loại phân bón có chứa các hàm lượng như đạm, phospho, kali… để cây, lá, rễ phát triển khỏe mạnh.